Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử - Quê Hương Lai Vu
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Lời hay ý đẹp

Translate

Search

Giá chứng khoán

Mã CK TC Khớp lệnh +/-
Giá KL

Web Informer Button

19/8/11

Khó khăn nghề tằm tang

Đã một thời nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân ở vùng đất bãi. Nhưng nay, diện tích trồng dâu dần bị thu hẹp, đầu ra cho con tằm bấp bênh... người làm nghề này gặp rất nhiều khó khăn.
Người dân cần sự quan tâm của các cơ quan chức năng về giống, thị trường, khoa học kỹ thuật... để duy trì và phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm

Nghề trồng dâu, nuôi tằm của tỉnh ta chủ yếu tập trung ở các huyện Kinh Môn, Nam Sách, Kim Thành… Vốn đầu tư ít, nhưng nghề này mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân ở vùng đất bãi. Với hơn 300 ha trồng dâu, năm 2010, cây dâu mang lại cho người nuôi tằm ở huyện Kinh Môn 40 tỷ đồng, cao hơn nhiều loại cây khác. Mỗi năm, người dân xã Lai Vu (Kim Thành) nuôi khoảng 7 lứa tằm (21-22 ngày/lứa). Riêng lứa 1 năm nay, 200 hộ làm nghề thu được hơn 500 triệu đồng từ kén. Nghề này tạo việc làm cho nhiều lao động, nhất là người già, trẻ em. Tuy nhiên, nghề tằm tang ở tỉnh ta đang gặp không ít khó khăn. 

Muốn phát triển nghề nuôi tằm phải bảo đảm diện tích trồng dâu, mà diện tích dâu trong tỉnh gần đây có xu hướng giảm. Năm 2010, tỉnh ta còn 641 ha trồng dâu, giảm 11 ha so với năm 2009. Nguyên nhân là do một số diện tích đất bãi dành cho phát triển công nghiệp hoặc người dân chuyển sang làm vật liệu xây dựng. Xã Lai Vu (Kim Thành) là địa phương có truyền thống trồng dâu nuôi tằm. Năm 2003, xã có gần 40 ha trồng dâu với 400 - 500 hộ nuôi tằm, trong đó hơn 10 ha trồng trong nội đồng. Hiện nay, xã chỉ còn 15,1 ha, do cây dâu chỉ giới hạn trồng ở vùng bãi ven sông và một phần diện tích nhường cho phát triển công nghiệp. Diện tích trồng dâu bị thu hẹp ở các địa phương còn do hiện tượng hút cát trái phép tăng mạnh. Ông Nguyễn Khắc Khoảng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nam Hưng (Nam Sách) cho biết: Diện tích dâu của xã chỉ còn khoảng 37 ha, giảm khoảng 5 - 6 ha so với trước, trong đó gần 4 ha bờ sông bị xói mòn do hiện tượng hút cát trái phép, phần còn lại do một số người dân chuyển đổi sang làm lò gạch.

Trước đây, khâu cung cấp trứng tằm do Công ty Đầu tư và Kinh doanh dâu tằm Hải Dương đảm nhiệm, nhưng sau khi doanh nghiệp này giải thể, người dân chỉ còn biết trông cậy vào tư thương. Trứng tằm trắng nhập từ Trung Quốc không được kiểm định cả về số lượng và chất lượng có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng kén, khiến giá bán thấp hoặc làm chậm thời vụ. Chị Mạc Thị Hanh ở thôn Hà Tràng, xã Thăng Long (Kinh Môn) cho biết: "Thông thường với mỗi vòng trứng có thể chia ra thành 15 nia tằm, nhưng tùy thuộc vào từng vòng, khi chia đủ, khi không. Chất lượng trứng cũng không được bảo đảm. Lứa vừa rồi, hơn 3 vòng trứng nhà tôi nở kém, phải đổi sang nuôi vòng khác". Việc bán kén cũng ngày càng khó khăn hơn. Anh Nguyễn Huy Ninh ở thôn Ngô Đồng, xã Nam Hưng (Nam Sách) có kinh nghiệm trong nghề trồng dâu, nuôi tằm được 10 năm chia sẻ: "Trước đây, khi HTX còn đứng ra mua kén, tư thương trả giá khá cao và ổn định. Nhưng nay chỉ còn tư thương, không còn sự cạnh tranh nên người dân thường xuyên bị ép giá".

Làng ươm tơ Hà Tràng ở xã Thăng Long (Kinh Môn) đã được công nhận là làng nghề từ năm 2004. Năm 2002, làng có khoảng 200 chiếc máy ươm tơ. Nhưng từ năm 2006, lượng máy giảm dần, hiện chỉ còn khoảng 50 chiếc, trong đó có 10 máy hoạt động thường xuyên. Theo ông Phạm Hữu Lạng, Chủ nhiệm HTX Ươm tơ tằm Thăng Long, nguyên nhân nhiều hộ dân không muốn tiếp tục duy trì nghề là do hệ thống máy đã lạc hậu. Làm theo phương pháp thủ công người dân mất nhiều công hơn, chi phí sản xuất cao, chất lượng tơ kém, giá bán thấp. Vậy là trong khi có làng nghề ươm tơ ngay tại địa phương, người dân xã Thăng Long lại phải bán kén cho tư thương tới thu mua xuất sang Hà Nam, Nam Định... Ngoài ra, người dân còn gặp nhiều khó khăn do ô nhiễm môi trường làng nghề, điện, nước. Gia đình anh Dương Hoài Khiến (thôn Hà Tràng) là một trong số ít những hộ vẫn thường xuyên duy trì nghề ươm tơ trong làng chia sẻ: "Gần đây sự xuất hiện của nhiều lò gạch và các công ty gạch tunel ở địa phương và các huyện lân cận làm ảnh hưởng tới lá dâu. Tằm là loài mẫn cảm, khi ăn lá dâu nhiễm phải khói lò gạch dễ bị nhiễm bệnh. Chất lượng kén xấu nên từ đầu năm tới nay, gia đình mới ươm tơ được một lần”.

Với những địa phương có diện tích bãi bồi lớn, cây dâu thực sự là loại cây trồng mũi nhọn, ngoài giá trị kinh tế còn có thể tận dụng nguồn lao động ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, hiện nay người dân làm nghề này ở tỉnh ta đang tự mày mò hướng đi từ nguồn giống tới khâu tiêu thụ. Tất cả đều “phó mặc” cho tư thương. Để nghề truyền thống có thể phát triển rộng rãi, các cơ quan chức năng cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về giống, thị trường, quy hoạch lại vùng trồng dâu, tránh hiện tượng nhiều lò gạch không bảo đảm tiêu chuẩn nằm xen kẽ khu vực bãi dâu, đầu tư hệ thống xử lý chất thải làng nghề… Bên cạnh đó, cũng cần có biện pháp để khôi phục lại làng nghề ươm tơ Hà Tràng, nâng cấp hệ thống máy ươm tơ phần để giữ lại nghề truyền thống, phần để sản phẩm kén làm ra của các địa phương trong tỉnh có thêm đầu ra ổn định.
HỒNG HẠNH (Theo báo Hải Dương)

Không có nhận xét nào:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Bài viết ngẫu nhiên

Music


Truyện cười