Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử - Quê Hương Lai Vu
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Lời hay ý đẹp

Translate

Search

Giá chứng khoán

Mã CK TC Khớp lệnh +/-
Giá KL

Web Informer Button

5/1/09

Ký ức Tết quê

Ngày xưa, hai chữ “kẻ quê” thường để tạo một khác biệt - thậm chí đối lập - với “kẻ chợ”. (Câu nói vần vè: “Nhà giàu kẻ quê không bằng ngồi lê kẻ chợ” là một ví dụ cay nghiệt cho tình hình này)

Mỗi năm hoa đào nở. Lại thấy ông đồ già...

Tuy nhiên, cũng như khẩu lệnh “phi thương bất phú”, người xưa chỉ tri hô lên thế thôi - giữa thi thoảng trỗi dậy đôi cơn khát (vọng) giàu sang - trên một đại trà sóng yên bể lặng của nếp sống và nếp nhà thanh thản - thậm chí vô tư - cho dù phải thanh bần đi chăng nữa, của một dân tộc nghìn năm thường hằng an phận với “dĩ nông vi bản”!

Thành ra, ở chính ngay một cái “kẻ chợ” khổng lồ là Thăng Long - Hà Nội (vốn cũng chỉ là một trong vài mươi hòn cù lao đô thị lớn nhỏ lác đác nổi lên trên một biển cả làng quê, là chiếc nôi sinh thành của Nó, cũng như là của cả dân tộc) thì chỉ cần chờ đến ngày 13 tháng Chạp (nếu không phải là ngày rằm tháng tất niên) là quan thì “sắp ấn” cất kỹ cái dấu hiệu oai vệ của cửa quyền ở thành thị vào hòm; dân thì đóng cửa hàng, chẳng bon chen chốn phố phường đô hội nữa; và tất cả rời tỉnh về quê: ăn Tết!

Ăn Tết Quê xưa, vì vậy, chính là động thái về nguồn, về với quê cha đất Tổ của từng/và các nhân thân, đã đành, mà còn - và chính là - về với cái uyên nguyên lối sống - nếp nhà của mình.

Và các miền quê như thế, nhân dịp này mà săng sái, tất bật, hồ hởi, tự thăng hoa cho mình, cũng chính là “đổi mới” (hoặc chí ít cũng là “củng cố”) thườn
g niên cho cái tảng nền của nước và lối sống dân tộc cổ truyền.

Việc ăn - ngay sự làm ra và hưởng thụ Tết cũng bắt đầu, kèm và gói tất cả vào một chữ “ăn” - chính là việc đầu tiên của Tết Quê। Trong sáu yếu tố (thành phần) của/và làm nên Tết là: “Thịt mỡ - Dưa hành - Câu đối đỏ / Cây nêu – Tràng pháo – Bánh chưng xanh” thì, định tính và định lượng đều thấy có đến một nửa là thuộc về/dành cho việc ăn rồi.

Đầu năm xem vận rủi may.

Nhưng rõ ràng là việc ăn ở đây không phải - hoặc không phải chỉ - nhằm vào thỏa mãn sự nếm náp của cái lưỡi. Cụ Phan Kế Bính, xưa viết sách “Việt Nam phong tục” có câu: “Sáng mùng một Tết thì làm cỗ cúng gia tiên. Cỗ bàn to nhỏ thế nào cũng được nhưng làm sao cũng phải có bánh chưng, cá kho, giò chả, dưa hành mới ra cỗ ngày Tết. Có nhà dựng hai cây mía cạnh bàn thờ để làm gậy cho ông bà ông vải về ăn Tết”.

Như thế, cùng với cả câu “Tháng giêng ăn Tết ở nhà” - cái ý nghĩa (chính và lớn) - của việc ăn trong dịp Tết là tôn vinh và củng cố hạt nhân của xã hội và văn hóa gia đình, là “ăn Tết” ở nhà, là “cỗ cúng gia tiên”, dựa vào nấu ăn để sùng bái các bậc tiền bối của gia đình, để giữ lấy và làm mạnh lên “nếp nhà” (nền nếp gia phong) của/và ở/Tết Quê.


Việc ăn là như vậy, thì việc chơi - “chơi Tết”, “chơi Xuân”… - cũng quan trọng không kém। Và cũng không chỉ thuần một nghĩa “ăn chơi” (“chơi bời”).

Thiếu nữ Hà Nội trong gió Xuân bên cầu Thê Húc

Một nửa cấu trúc của Tết trong đôi câu đối Tết, thuộc về “chơi”, nhưng là “chơi” văn hóa, trí tuệ và tâm linh. Nếu việc trồng nêu và đốt pháo, gốc là để chống trừ, xua đuổi các thế lực hắc ám đặng bảo vệ gia đình, thì “câu đối là lời chúc tụng, là câu châm ngôn, mà giá trị không hạn chế trong phạm vi các nhà nho hoặc các gia đình khá giả”.

Bởi, như sách “Mùa xuân và Phong tục Việt Nam”, nếu những câu như: “Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa / Sáng mùng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phú vào nhà” là dành cho những người nghèo, thì “Minh niên tăng bách phúc / Xuân nhập tập thiên tường” (Năm mới thêm trăm phúc / Ngày xuân họp nghìn lành) chính là những câu chữ mà mọi người đều muốn có, để dán lên cột nhà, khắp chốn Kẻ Quê xưa।


Chưa cần bàn sâu, nêu cao nhiều lắm về những triết lý cao siêu của sự tái sinh, vòng quay vũ trụ, của niềm cộng cảm vạn vật - sinh linh… chứa đựng trong phong tục và những ngày Tết (xuân) xưa. Lục lại đôi điều trong ký ức về sự ăn và sự chơi ở truyền thống Tết Quê cổ thời, cũng đủ thấy cái Hồn Quê - cũng chính là hồn dân tộc - được vận hành và bảo lưu ở đấy.

Cái Hồn Quê, nó chứa đựng biết bao giá trị, nhất là trong việc làm rõ và khắc phục khi phải đụng đến những điều kinh dị và kinh hoàng đang nhân danh - thực chất là mượn tiếng - phát triển, hiện đại, văn minh, sang giàu, đổi mới và hội nhập… mà trổ ra trong những dịp Tết (xuân) ở khắp các không gian văn hóa - xã hội, cả ở những vùng “Kẻ Quê”, nhưng đặc biệt là trên các miền “Kẻ Chợ” đang gấp gáp xô bồ đô thị hóa gần đây và bây giờ.

GS Lê Văn Lan

Ảnh: Nguyễn Đức Long

Không có nhận xét nào:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Bài viết ngẫu nhiên

Music


Truyện cười