Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử - Quê Hương Lai Vu
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Lời hay ý đẹp

Translate

Search

Giá chứng khoán

Mã CK TC Khớp lệnh +/-
Giá KL

Web Informer Button

22/8/12

Bảo vệ đất lúa: Địa phương nói một đằng quy hoạch một nẻo

Tiếc đất, nông dân khai hoang trồng màu trong KCN
Vì nhiều lý do, các địa phương đã đua nhau cấp phép thành lập các KCN, KĐT, bất chấp cả quy định của Chính phủ, làm cho diện tích đất trồng lúa cả nước từ năm 2000 đến 2010 giảm gần 370.000ha.
Công bằng mà nói, sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp (KCN), khu đô thị (KĐT) đã đem lại diện mạo mới cho nhiều địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thế nhưng, vì nhiều lý do, các địa phương đã đua nhau cấp phép thành lập các KCN, KĐT, bất chấp cả quy định của Chính phủ, làm cho diện tích đất trồng lúa cả nước từ năm 2000 đến 2010 giảm gần 370.000ha.
Xà xẻo đất lúa theo dự án mở đường
Trong khi nhiều KCN, KĐT đang trong tình trạng đầu tư kém hiệu quả hoặc bị bỏ hoang thì dọc đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Quốc lộ 5B) đã được các địa phương tiến hành quy hoạch phát triển các KCN, KĐT chằng chịt hai bên. Rất có thể không lâu nữa, hai bên tuyến quốc lộ này sẽ trở thành các thành phố khi đất trồng lúa phải chuyển đổi mục đích sử dụng.
Theo đó, các địa phương có đường cao tốc này đi qua cũng đã nhanh chóng hoàn thành việc quy hoạch sử dụng đất và xây dựng các KĐT, KCN dọc hai bên đường. Trong đó, tỉnh Hưng Yên có chiều dài đường cao tốc đi qua là 26km, theo quy hoạch ban đầu của tỉnh, ngoài 450ha đất dành cho phát triển công nghiệp có từ trước ở xã Vĩnh Khúc (Văn Giang) nằm ven con đường mới mở này, phần còn lại hầu hết đều đi qua các cánh đồng trồng lúa của 2 huyện Yên Mỹ và Ân Thi. Nghĩa là đất dành cho thi công đường là đất "sạch", không vướng vào các KCN hay công trình công cộng nào. Thế nhưng, thực tế là Hưng Yên đã dành khoảng 2.000ha đất để phát triển thêm 7 khu, cụm công nghiệp dọc theo tuyến đường như xã Trung Hưng 200ha, xã Lý Thường Kiệt 400ha (huyện Yên Mỹ); xã Tân Phúc 300ha, xã Bãi Sậy 450ha (huyện Ân Thi)…
Hay như tại huyện Gia Lộc (Hải Dương), riêng việc thu hồi đất làm đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua huyện này cũng lên đến trên 160ha. Theo đó, huyện đã quy hoạch hơn 1.000ha đất để xây dựng các KCN, KĐT, đa phần trong đó là đất trồng lúa thuộc dạng "bờ xôi, ruộng mật" của địa phương.
Điều đáng chú ý là mặc dù con đường chưa hoàn thành nhưng đã bộc lộ một số điểm mâu thuẫn trong công tác quy hoạch sử dụng đất của Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), gây bất bình dư luận. Theo thiết kế được duyệt, nút giao này sẽ thực hiện xây dựng theo 2 giai đoạn, trong đó, hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng thực hiện cả 2 giai đoạn của VIDIFI cho thấy, tổng diện tích đất nông nghiệp xây dựng nút giao trên chỉ khoảng 18ha.
Bà Nguyễn Thị Tâm ở đội 4, thôn Đức Đại, thị trấn Gia Lộc (huyện Gia Lộc) cho biết: "Hiện có hàng chục hộ gia đình trong thôn bị thu hồi 100% diện tích đất trồng lúa để phục vụ giai đoạn 2 của dự án. Chúng tôi rất bức xúc khi chủ đầu tư thu hồi hàng chục hecta đất trồng lúa chỉ để trồng cỏ, tạo cảnh quan cho dự án. Hơn nữa, trong khi chưa nhận được quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường thì đã bị chính quyền địa phương phá hết kênh mương, rút máy bơm nước…, khiến chúng tôi không thể canh tác, mấy vụ nay ruộng đồng bị bỏ hoang, đời sống hết sức khó khăn".
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Vang, Chủ tịch UBND thị trấn Gia Lộc cho biết, khi thực hiện dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chủ đầu tư đã thu hồi của địa phương hàng chục hecta đất hai lúa, riêng trong đợt 2 đã thu hồi 37ha đất lúa của 530 hộ gia đình, trong đó có hàng chục hộ bị thu hồi 100% diện tích đất nông nghiệp. "Chúng tôi cũng đang lo đến vấn đề giải quyết việc làm cho số lao động này, cái khó là các hộ dân vẫn chưa đồng ý với phương án đền bù nên chưa có điều kiện để chuyển đổi nghề nghiệp. Còn việc cắt điện, nước là do UBND huyện yêu cầu không cho các hộ sản xuất nữa để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư", ông Vang nói.
Khai hoang trong khu công nghiệp
Phải nhường đất trồng lúa cho các KĐT, KCN, người nông dân đành phải ngậm ngùi cam chịu cảnh làm thuê hoặc trở thành lao động thời vụ. Riêng tại xã Lai Vu ( Kim Thành - Hải Dương), bà con quá xót xa trước cảnh nhiều lô đất vốn là đất lúa hai vụ màu mỡ bị san lấp làm KCN hoành tráng rồi bỏ hoang cho cỏ dại mọc gần 10 năm qua. Tiếc đất, bà con lại cùng nhau "khai hoang" đất trong các KCN bị bỏ trống để trồng các loại cây ngắn ngày như lạc, khoai, chuối…, nhằm giải quyết phần nào nhu cầu lương thực và thu nhập.
Trao đổi với chúng tôi, một số người dân cho biết, cuối năm 2003, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định thu hồi hơn 200ha đất nông nghiệp tại 3 thôn của xã Lai Vu để giao cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) làm KCN tàu thủy Lai Vu. Tuy nhiên sau đó, đa số những nông dân bị thu hồi đất cho rằng, trình tự, thủ tục thu hồi đất và công tác giải phóng mặt bằng tại đây có dấu hiệu trái pháp luật. Vì vậy, chỉ có một số ít hộ dân chịu nhận tiền đền bù, còn lại hơn 300 hộ dân khác không nhất trí và liên tục kiến nghị đến các cơ quan chức năng.
Điều đáng nói là, kể từ khi bị cưỡng chế thu hồi đất cho đến nay, hiện trạng xây dựng và sử dụng đất tại KCN Tàu thủy Lai Vu vẫn "án binh bất động", diện tích hoang hóa chiếm tới 2/3 tổng diện tích - tương đương trên 100ha đất nông nghiệp.
Ông Bùi Duy Tôn, 53 tuổi, ở thôn Hợp Nhất cho biết: "Gia đình tôi có 5 khẩu với 2.626m2 đất hai vụ lúa, một vụ màu bị thu hồi. Trước đó, chúng tôi sản xuất rất hiệu quả, không những đủ ăn mà còn có thóc thừa để bán cho con cái đi học, vậy mà nay hầu hết các hộ đều không có đất sản xuất, phải làm thuê cho người khác để kiếm bữa ăn qua ngày. Bất đắc dĩ chúng tôi mới phải ra đây khai hoang lại đất để trồng hoa màu, kiếm thêm thu nhập".

Nghị định 42/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa quy định hạn chế tối đa việc chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào các mục đích phi nông nghiệp; khuyến khích việc khai hoang mở rộng diện tích đất trồng lúa, cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước…
Nhà nước cũng hỗ trợ ngân sách cho các địa phương sản xuất lúa 500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước và 100.000 đồng/ha/năm đối với đất lúa khác. Đồng thời, hỗ trợ 70% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi sản xuất lúa bị thiệt hại trên 70% và hỗ trợ 50% chi phí khi sản xuất lúa bị thiệt hại từ 30 - 70%.
Không riêng tỉnh Hải Dương mà ngay ở ngoại ô Hà Nội, trong 3 năm qua cũng có hàng trăm làng, xã bị thu hồi đất để làm dự án. Trong đó có những xã như An Khánh (Hoài Đức), Dương Nội, Văn Phú (Hà Đông), Quang Minh (Mê Linh), Cổ Nhuế (Từ Liêm)… bị thu hồi tới 100% diện tích đất nông nghiệp, mà 90% trong số đó là đất lúa.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, một người dân ở xã An Khánh cho biết: "Thực ra chỉ một phần ruộng bị thu hồi để mở đường, còn lại 95% đất thu hồi là để xây 3 KĐT mới "ăn theo" dự án và hàng chục nhà máy hai bên đại lộ. Trước kia, cả xã có 6 thôn với 150ha đất nông nghiệp, nhưng giờ thì không còn lại một thửa ruộng, ngay cả đất trồng rau cũng không có".
Lo an ninh lương thực
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong hơn 10 năm qua, đã có hơn 370.000ha đất nông nghiệp trên cả nước bị thu hồi để phục vụ các dự án làm đường giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị, thậm chí cả sân golf,… và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong đó, 80% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi thuộc loại "bờ xôi, ruộng mật" với cơ sở hạ tầng, thủy lợi thuận tiện, có thể trồng hai vụ lúa/năm. Tình trạng trên đã làm chúng ta mất đi 500.000 tấn lúa/năm, làm ảnh hưởng tới đời sống của hàng triệu nông dân. Đây là những mặt trái của quá trình công nghiệp hóa nông thôn và đô thị hóa vội vàng trong thời gian qua.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều nơi tốc độ chuyển đổi đất lúa diễn ra một cách kinh hoàng, dẫn đầu ở miền Bắc là Hải Dương (1.400ha), Vĩnh Phúc (1.200ha), Hưng Yên (1.000ha)…; còn ở miền Nam, Cà Mau 6.200ha, Bạc Liêu 5.400ha... Ngay cả các tỉnh có lợi thế về cây lúa nước, giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Cần Thơ, Cà Mau, An Giang…, đất lúa cũng đã và đang bị xẻ thịt không thương xót chỉ vì lợi ích cục bộ của địa phương. Thực tế cho thấy, sản lượng lúa làm ra tính theo đầu người đã giảm rõ rệt khi đất lúa bị thu hồi. Chẳng hạn ở Bắc Ninh, năm 2000 tỉnh này có hơn 49.000ha đất nông nghiệp, nhưng hiện nay chỉ còn hơn 40.000ha. Trong khi đó, năng suất lúa không hề tăng, chỉ đạt khoảng 11 tấn/ha và đã "kịch trần". Năm 2000, bình quân lương thực đầu người ở đây là 323 kg/người, nhưng năm 2006 chỉ còn 78kg/người và hiện nay còn khoảng 60 kg/người... Do vậy, khi đồng ruộng tiếp tục bị thu hẹp, dân số gia tăng thì nguy cơ không đảm bảo được an ninh lương thực là rất rõ.
Trao đổi với báo chí, ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định: "Cùng với nguy cơ bị co hẹp bởi công nghiệp hóa, đô thị hóa, sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn chịu sự tác động của nước biển dâng, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Hiện sản lượng lúa cả nước mỗi năm vẫn đạt trên 36 triệu tấn nên áp lực về an ninh lương thực chưa quá nặng nề. Trong tương lai, nếu áp dụng các giải pháp công nghệ mới, cũng chỉ nâng tổng sản lượng lúa lên 40 triệu tấn/năm, đủ để nuôi được dân số ở mức 100 triệu người, nhưng nếu mức tăng dân số cao hơn, thì chắc chắn chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực. Do đó, ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải tính toán tới việc bảo vệ đất lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực không chỉ cho 20 - 30 năm mà cả hàng trăm năm nữa".
Theo KTNT

Không có nhận xét nào:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Bài viết ngẫu nhiên

Music


Truyện cười