Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử - Quê Hương Lai Vu
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Lời hay ý đẹp

Translate

Search

Giá chứng khoán

Mã CK TC Khớp lệnh +/-
Giá KL

Web Informer Button

19/11/12

Xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương: Dân khốn khổ vì dự án treo của Vinashin

Tại kì họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIII, các đại biểu lại đề cập nhiều đến số nợ khổng lồ của Tập đoàn Vinashin (107 nghìn tỉ đồng) và bàn đến chuyện tái cơ cấu lại Tập đoàn này. Tuy nhiên, hậu quả do Vinashin để lại, trong đó có dự án treo hàng trăm héc-ta đất bỏ hoang ở Khu công nghiệp (KCN) tàu thủy Lai Vu (Hải Dương) khiến cả nghìn hộ nông dân rơi vào cảnh khốn khó, hỏi ai cơ cấu lại cuộc sống, cứu vớt những người nông dân mất ruộng?...
Dự án dở dang... giải quyết khiếu nại trên giấy
Tập đoàn Vinashin được UBND tỉnh Hải Dương thu hồi 212,89 ha đất của 1.160 hộ nông dân xã Lai Vu, huyện Kim Thành, để triển khai Dự án KCN tàu thủy Hải Dương. Dự án phá sản, khu công nghiệp hoang tàn, 1.160 hộ nông dân xã Lai Vu mất ruộng, mất việc, lâm vào cảnh khốn khó. Căn cứ kết luận của Thanh tra Chính phủ (2011), hồ sơ tài liệu vụ làm trái quy định của Nhà nước trong quản lí vốn đầu tư xây dựng, gây thất thoát lãng phí tại Dự án KCN tàu thủy Lai Vu, được chuyển đến Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Hải Dương.
 Một ngày sau cơn bão số 8 gây thiệt hại lớn cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, chúng tôi có mặt ở xã Lai Vu. Cơn bão không chỉ khiến cây cối đổ gãy trong vườn, mà còn làm úng ngập nhiều đoạn đường trong thôn xóm. Ông Bùi Khắc Đờn, một trong số 309 hộ dân chưa nhận tiền đền bù cho biết, cứ mỗi đợt mưa lớn làng xóm lại ngập lụt như vậy. Nghe nói dự án thoát nước khu dân cư và xây chợ Lai Vu kinh phí 15,4 tỉ đồng, nhưng mấy năm rồi, không thấy triển khai. Mất nhiều đất vì dự án, nhưng không được cấp đất tái định cư, đất kinh doanh dịch vụ, nên chúng tôi phải khiếu kiện lên Trung ương. Năm 2008, Thanh tra Chính phủ có báo cáo, Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Hải Dương và Tập đoàn Vinashin dành 12 ha mặt bằng trong KCN để quy hoạch làm khu thương mại và dịch vụ, tạo việc làm cho dân, nay bế tắc.
 Ngày 13-3-2009 UBND tỉnh Hải Dương quyết định phê duyệt đầu tư kết cấu hạ tầng 12,1 ha đất cạnh đường 5B thuộc xã Lai Vu chia 925 lô, phân cho 925 hộ gia đình nông dân mất 30% diện tích đất, với tổng kinh phí dự toán 55,37 tỉ đồng. Nông dân Lai Vu lại mất thêm 12,1 ha, vì thế người dân không đồng thuận, đề nghị trả 12 ha trong KCN. Dự án được hình thành trên giấy vì trong số 55,37 tỉ đồng đầu tư, đề nghị Tập đoàn Vinashin hỗ trợ 37,3 tỉ đồng, nhưng vẫn chỉ là lời đề nghị, còn khoản 18 tỉ đồng do tỉnh hỗ trợ, vẫn chưa thấy đâu.

Khu công nghiệp tàu thủy Lai Vu, dự án của Tập đoàn Vinashin, nhiều năm nay
là nơi chăn bò.
Việc hỗ trợ một vụ lúa cho 73 ha đất bị thu hồi nhưng các hộ dân vẫn tiếp tục sản xuất (phá lúa màu của 618 hộ dân trước ngày thu hoạch) ngày 12-1-2009 tỉnh Hải Dương có công văn đề nghị Tập đoàn Vinashin hỗ trợ nông dân 1,7 tỉ đồng cũng không được. Nông dân mất ruộng đã đành, ruộng hương hỏa để các thân nhân thờ cúng liệt sĩ (mỗi liệt sĩ 3 thước) cũng thu hồi, nhiều gia đình chưa được trả. Chính phủ chỉ đạo tỉnh Hải Dương và tập đoàn Vinashin thực hiện 5 giải pháp giải quyết dứt điểm những vướng mắc của dân khi bị thu hồi đất. Tiếc thay sự chỉ đạo của Thủ tướng vẫn chỉ dừng lại ở trên giấy, vì KCN tàu thủy Lai Vu dang dở, do chủ đầu tư Vinashin vỡ nợ. Trong khi tỉnh Hải Dương cũng chỉ giải quyết khiếu nại trên giấy, buộc người dân Lai Vu vác đơn kêu cầu khắp nơi.

Mất dân chủ, phớt lờ cả Thanh tra Chính phủ

Nông dân Lai Vu dẫn chứng Quyết định số 1055/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ xác định 2,7 ha đất cho Nhà máy Đóng tàu Hải Dương mở rộng sản xuất, với mục đích đóng mới và chữa tàu 1.000 tấn, nhưng khi triển khai tỉnh thu hồi 192,5ha. Ngày 28-10-2005 Thủ tướng mới phê duyệt dự án này, nhưng từ ngày 18-11-2003 UBND huyện Kim Thành đã thông báo ngừng canh tác trên 192,5 ha. Huyện vội vã tổ chức thu hồi 212,89 ha đất của 1.160 hộ dân (chiếm 86% quỹ đất cho cụm công nghiệp thuê), đến nay chưa có quy hoạch, mới chỉ sử dụng 14 ha (Cty Vinashin và Nhà máy Sản xuất Công-ten-nơ), còn khoảng 198 ha vẫn bỏ hoang đi liền với nỗi đau gần 1.000 lao động ở địa phương thất nghiệp.
 Tại Thông báo giải quyết đơn Khiếu tố của các công dân xã Lai Vu, do Thanh tra Chính phủ kết luận ngày 1-8-2006: “Những sai phạm trong quá trình triển khai, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có biểu hiện nóng vội, chủ quan, thiếu công khai và chưa chặt chẽ… làm ảnh hưởng lòng tin của nhân dân địa phương đối với đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trách nhiệm thuộc UBND tỉnh Hải Dương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Công nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Kim Thành, Hội đồng Đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), UBND xã Lai Vu”.
 Việc mất dân chủ và lộng hành, trái pháp luật, khi triển khai dự án được Thanh tra Chính phủ viện dẫn: Vi phạm khoản 1 Điều 32, khoản 1 Điều 34 Nghị định số 22/1998/NĐ-CP; vi phạm Quyết định số 999/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; vi phạm Điều 11 Nghị định số 04/1997/NĐ-CP, Điều 5 Nghị định số 79 /2003/NĐ-CP của Chính phủ… Trong đền bù thiệt hại, không công khai phương án bồi thường cho dân. Quá trình triển khai dự án không thông báo cho dân biết phạm vi, diện tích quy hoạch, cấm dân sản xuất không có lí do… Hội đồng GPMB có thông báo đề nghị có biện pháp thi công phù hợp để nông dân thu hoạch nông sản (73 ha lúa sắp được thu hoạch) nhưng Ban Quản lí dự án vẫn tiến hành san cát 73 ha lúa sắp thu hoạch. Các hộ dân có đất hương hỏa thờ cúng liệt sĩ, bị thu hồi không chuyển đổi và giải thích cho dân là cửa quyền, lộng hành với dân.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ ban hành đã sáu năm nhưng chính quyền từ tỉnh, huyện, xã và các cơ quan liên quan tỉnh Hải Dương vẫn mặc dân “chìm nổi” cùng con tàu Vinashin.

Vinashin… vĩ thanh bên những đàn bò
Lai Vu là xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, một địa phương thuần nông, người dân luôn chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước. Trước ngày GPMB khu công nghiệp Lai Vu, Báo Hải Dương đưa tin: “Đây là khu công nghiệp lớn quan trọng, khi đi vào hoạt động sẽ thu hút nhiều lao động, đào tạo nghề và tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương và các tỉnh trong khu vực”. Đây không chỉ là kì vọng của người dân Lai Vu, của tỉnh Hải Dương, mà còn là kì vọng của Chính phủ với Tập đoàn Vinashin. Còn chính quyền, các Sở, ban, ngành của tỉnh Hải Dương, một thời sốt sắng chung tay thu hồi đất, giờ lảng tránh trách nhiệm.
 Ông Bùi Duy Lương nói: “Dù không đồng ý nhưng gia đình tôi phải nhận tiền đền bù theo chỉ đạo của Đảng ủy xã, nếu không, con cái học hành không được xác nhận lí lịch… Cả khoản tiền đền bù đất công và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp mới được 13,3 triệu đồng/sào. Tiêu hết số tiền đền bù này chúng tôi và các thế hệ mai sau sẽ sống thế nào? Khi GPMB, Vinashin cam kết tuyển 718 lao động vào làm việc tại KCN Lai Vu, nhưng giờ đây, hàng nghìn lao động thất nghiệp, gần 200 ha đất bỏ hoang, là nơi thả bò của một số hộ dân”.
 Ông Bùi Khắc Đờn viện dẫn theo Điều 3 Quyết định số 116 ngày 12-1-2004 của UBND tỉnh Hải Dương: “Trong thời hạn 12 tháng liền, Ban quản lí Dự án Cụm công nghiệp tàu thủy Hải Dương không sử dụng đất, thì Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lập thủ tục trình UBND tỉnh ra quyết định thu hồi”. Vậy mà chính quyền có làm theo pháp luật đâu! Ông Đờn thở dài: “Mơ ước lớn nhất của chúng tôi là hãy thu hồi lại diện tích đất bỏ hoang trong 9 năm qua của Tập đoàn Vinansin, trả lại đất cho nông dân Lai Vu”.
Bài và ảnh: Trần Thị Thực

Không có nhận xét nào:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Bài viết ngẫu nhiên

Music


Truyện cười