Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử - Quê Hương Lai Vu
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Lời hay ý đẹp

Translate

Search

Giá chứng khoán

Mã CK TC Khớp lệnh +/-
Giá KL

Web Informer Button

2/5/14

Gặp lại o du kích “rắn quấn bên chân vẫn bắn thù”

Dù phải sống xa quê hương đã lâu, nhưng trong trái tim cô vẫn luôn in đậm những ký ức hào hùng của một thời chiến tranh và luôn đau đáu hình bóng quê nhà.
Trong cuộc sống đời thường, cô Bùi Thị Vân là người vợ thủy chung, người mẹ, người bà mẫu mực

“O du kích xóm Lai Vu” ngày ấy bây giờ đã bước sang tuổi 67 và là bà của 5 đứa cháu ngoại. Dù phải sống xa quê hương đã lâu, nhưng trong trái tim cô vẫn luôn in đậm những ký ức hào hùng của một thời chiến tranh và luôn đau đáu hình bóng quê nhà.

Mới đây, trong một dịp về Hà Nội, tôi đã trở lại thăm cô Bùi Thị Vân - “O du kích xóm Lai Vu” năm nào. Sau 8 năm trở lại, tôi không khỏi ngỡ ngàng với những đổi thay của khu tập thể Viện Nghiên cứu ngô Trung ương (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Nằm giữa khu tập thể ấy, ngôi nhà cấp 4 năm xưa của gia đình cô Vân nay đã được thay bằng ngôi nhà 4 tầng khang trang.

Cũng như lần trước, khi gặp lại tôi cô mừng lắm, vì tuổi cao nên đã lâu cô không về thăm quê. So với lần gặp trước, trông cô già đi nhiều, nhưng vẫn nguyên vẻ hiền lành, đôn hậu. Nghe tôi kể về những đổi thay của quê hương Hải Dương, nhất là việc những hình ảnh, tư liệu về cô vẫn được lưu giữ trang trọng tại nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh, cô Vân rất xúc động. Trong ánh mắt sâu thẳm, những ký ức của một thời chiến tranh lại ùa về với người nữ du kích dũng cảm năm xưa...

Năm 1964, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước sang giai đoạn mới. Dựng lên “sự kiện vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ kiếm cớ đưa không quân ra đánh phá miền Bắc nước ta và trực tiếp đổ quân tham chiến trên chiến trường miền Nam. Tại tỉnh ta, cầu Phú Lương và cầu Lai Vu là 2 trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của không quân Mỹ, nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông từ cảng Hải Phòng về Thủ đô Hà Nội. Khi đó, cô Vân vừa tròn 17 tuổi và là thành viên trong trung đội dân quân trực chiến bắn máy bay Mỹ của xã Lai Vu (Kim Thành). Trưa 5-11-1965, giặc Mỹ huy động 20 máy bay đánh phá cầu Lai Vu. Ngay những phút đầu tiên, trung đội dân quân của cô đã có mặt tại trận địa, phối hợp cùng các lực lượng phòng không của ta đánh trả quyết liệt, bắn rơi tại chỗ 1 máy bay F8U, bắt sống giặc lái. Để trả thù cho thất bại này, ít giờ sau địch đã huy động số lượng máy bay lớn hơn quay lại đánh phá cầu Lai Vu lần thứ 2 và tập trung đánh phá vào các trận địa phòng không bảo vệ cầu. Kẻng báo động phòng không lại vang lên, cả trận địa nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Khi chạy tới miệng hố cá nhân của mình, cô Vân bỗng nhìn thấy một con rắn khá to đang bơi dưới hố. Một thoáng do dự, rồi cô quyết định nhảy ào xuống hố, quên đi con rắn đang quấn bên chân mình để cùng đồng đội nổ súng bắn trả quân thù... Nhớ lại chuyện này, cô Vân chia sẻ: “Khi đó tôi mới 17 tuổi, còn trẻ con lắm. Lúc nhìn thấy con rắn dưới hố, tôi rất sợ. Nhưng với suy nghĩ chỉ chậm giây phút thôi thì máy bay Mỹ sẽ có thêm cơ hội đánh sập cầu nên tôi đã vượt lên nỗi sợ hãi của bản thân". Trận chiến đấu thắng lợi, cô Vân được biểu dương trước toàn trận địa về hành động dũng cảm của mình.

Năm 1967, trong một chuyến công tác thực tế tại huyện Kim Thành, biết được hành động dũng cảm của cô, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác và đọc ngay cho mọi người có mặt tại hội trường cùng nghe 4 câu thơ:

“Chuyện o du kích xóm Lai Vu/Rắn quấn bên chân, vẫn bắn thù/Mỹ hại trăm nhà lo diệt trước/Rắn, mình em chịu có sao đâu”.

Sau này, 4 câu thơ trên đã được nhà thơ Tố Hữu in trong tập thơ “Việt Nam máu và hoa”, một tập thơ nổi tiếng của nền thơ ca cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20. Từ đó, hình ảnh “O du kích xóm Lai Vu, rắn quấn bên chân vẫn bắn thù” đã trở thành biểu tượng đẹp về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, ý chí quyết tâm chống giặc ngoại xâm của người phụ nữ Hải Dương nói riêng, Việt Nam nói chung.

Sau khi kết thúc chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ lần thứ nhất, cô Vân được địa phương lựa chọn đi học trung cấp kỹ thuật nông nghiệp. Tốt nghiệp ra trường, cô được về công tác tại Viện Cây lương thực và cây thực phẩm. Tại đây, cô đã xây dựng gia đình cùng người đồng nghiệp là kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Đức, quê Quảng Ngãi. Từ tháng 6-1979 đến cuối năm 1988, cô công tác tại Trung tâm Ngô sông Bôi (Hòa Bình). Đầu năm 1989, vợ chồng cô chuyển công tác về tại Viện Nghiên cứu ngô Trung ương. Năm 2003, cô nghỉ hưu và cùng chồng con sống tại khu tập thể của viện. Trong quá trình công tác, cô đã đảm nhận nhiều công việc, từ công nhân kỹ thuật, nhân viên hành chính rồi thủ quỹ và đều hoàn thành với trách nhiệm cao nhất. Trong khu dân cư, mọi người luôn nể trọng cô bởi đức tính chân thành, đôn hậu. Với gia đình, cô là người vợ thủy chung, người mẹ, người bà mẫu mực. Hai người con của cô một là kỹ sư nông nghiệp, một giáo viên, đều đã có gia đình riêng. Trở lại thăm cô Vân lần này, tôi đã không còn được gặp chồng cô, một người luôn vui vẻ và hài hước. Năm 2010, người chồng thân yêu của cô đã đột ngột ra đi, để lại trong cô và gia đình bao nỗi xót thương. Hiện nay, cô đang sống cùng vợ chồng người con gái thứ 2 và là thành viên tích cực của Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ trong khu dân cư…

“O du kích xóm Lai Vu” ngày ấy bây giờ đã bước sang tuổi 67 và là bà của 5 đứa cháu ngoại. Dù phải sống xa quê hương đã lâu, nhưng trong trái tim cô vẫn luôn in đậm những ký ức hào hùng của một thời chiến tranh và luôn đau đáu hình bóng quê nhà. Mảnh đất Hải Dương kiên trung, nơi đã sinh ra cô, ấp ủ cho cô trưởng thành và cũng chính nơi ấy cô đã được tham gia chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, góp phần làm rạng danh thêm truyền thống quê hương.

BÙI VINH ĐƯỢC (Báo Hải Dương)

Không có nhận xét nào:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Bài viết ngẫu nhiên

Music


Truyện cười