Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử - Quê Hương Lai Vu
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Lời hay ý đẹp

Translate

Search

Giá chứng khoán

Mã CK TC Khớp lệnh +/-
Giá KL

Web Informer Button

12/8/10

Bầu trời tình yêu

Du kích Lai Vu
CHƯƠNG MƯỜI BỐN

Giữa tháng 9 năm 1965, với lý thuyết giải quyết chiến tranh tận gốc, Grân Sáp, Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương đề nghị Oasinhtơn: “Ngay sau khi Không lực Hoa Kỳ tiến hành hoạt động trên Trục đường Kép-Lạng Sơn, cần phải nhanh chóng ném bom Cảng Hải Phòng và phong toả nó bằng mìn mới ngăn chặn được tận gốc nguồn tiếp tế cho Việt cộng ở Nam Việt Nam...”.
Uylơ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân nhận được đề nghị trên liền tức tốc đến Trại Đavít. Tổng thống Giônxơn đang nghỉ cuối tuần ở đó.
Uylơ trình bản kiến nghị của Sáp gửi cho Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh tối cao qua Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân:
- Thưa tổng thống, nhân danh Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, tôi xin chia sẻ quan điểm trên của Đô đốc Grân Sáp.
Giônxơn lật đi lật lại bản kiến nghị của Sáp. Thực ra vừa đọc, ông đã nắm ngay được ý đồ của viên đô đốc diều hâu này, nhưng ông vẫn giả bộ đọc kỹ, nghiền ngẫm, cân nhắc trước khi đi đến quyết định về chiến lược. Ông vẫn theo đuổi chủ trương biến Hà Nội và Hải Phòng thành “con tin” trong chính sách gây sức ép tối đa đối với Bắc Việt Nam.
Ông nói với Uylơ:
- Sự lựa chọn khôn khéo lúc này là hãy chặt đứt trục đường nối liền cảng Hải Phòng với Hà Nội, trước khi phải ném bom vào chính hai thành phố đó. Đồng thời, Không lực Hoa Kỳ vẫn tiếp tục gia tăng đánh phá con đường Kép-Lạng Sơn và Hệ thống giao thông phía Nam Hà Nội.
Uylơ trở về đại bản doanh ở bên dòng sông Pôtômác gửi ngay một bức điện phúc đáp kiến nghị của Sáp, dan nguyên văn lời nói của tổng thống để tăng thêm sức mạnh thuyết phục Sáp. Thế là Tuyến đường số 5 được đưa vào danh sách mục tiêu chủ yếu của bước ba kế hoạch đánh phá Bắc Việt Nam.
Trong lúc tập trung chỉ đạo các cụm phòng không cơ động tác chiến ở phía Tây Bắc, Đông Bắc và phía Nam, Bộ Tư lệnh PKKQ vẫn theo dõi hết sức chặt chẽ âm mưu hành động của địch với Tuyến đường huyết mạch số 5.
Khó khăn lúc nay là thiếu lực lượng. Bộ tư lệnh dự tính cần phải điều động về bảo vệ tuyến Đường số 5 từ ba đến bốn trung đoàn pháo cao xạ, chưa kể tên lửa và không quân. Như vậy, phải cho một cụm tiền phương “lật cánh” đến Đường 5 hoặc rút một phần ba đến một phần tư số trung đoàn pháo cao xạ hiện tại ở các cụm tiền phương. Điều đó sẽ hạn chế sự phát huy thế chủ động liên tục tiến công hiện nay. Bộ tư lệnh thấy cần phải nghiên cứu kỹ chiến trường và lực lượng tại chỗ trước khi đi đến quyết định.
Chính ủy Đặng dẫn đầu đoàn cán bộ quân chủng đi Hải Dương. Tư lệnh Phùng còn đang bận kiểm tra và chỉ đạo tổ chức chiến đấu trên tuyến Đường Kép-Lạng Sơn, vẫn gọi dây nói trao đổi trước khi Đặng lên đường:
Anh đi Hải Dương rất đúng. Đồng bằng tả ngạn là chiến trường quen thuộc của anh. Trên cương vị bí thư tỉnh kiêm tỉnh đội trưởng hồi đầu kháng chiến, chắc chắn đường đất Hải Dương anh phải thuộc như lòng bàn tay. Sau khi địch đánh phá trục Đường Kép-Lạng Sơn, Đường 5 ắt sẽ trở thành mục tiêu đánh phá trọng điểm của địch hòng ngăn chặn viện trợ từ bên ngoài vào ta. Nhưng suy đến cùng thì cái cầu vẫn là mục tiêu chủ yếu của địch. Tôi đề nghị nghiên cứu thật kỹ phương án tập trung lực lượng bảo vệ trọng điểm cầu Phú Lương.
Đặng rất tâm đắc với ý kien của Phùng. Ông hiểu là Cầu Phú Lương khá dài, nhiều nhịp, nếu bị đánh hỏng khó có thể sửa chữa khôi phục nhanh. Và, việc bắc cầu phao qua Sông Thái Bình rộng mênh mông không thể dễ dàng. Còn Cầu Lai Vu ngắn hơn. Con sông chảy qua hẹp, tổ chức phương tiện qua cầu dễ dàng nhanh chóng hơn.
Nghĩ vậy, ông trao đổi thêm với Phùng:
- Tôi tán thành ý kiến của anh cần nghiên cứu kỹ phương án bảo vệ Cầu Phú Lương. Phó Tham mưu trưởng Quang là người sắc sảo về phương án bố trí lực lượng. Nếu Quang đã xong việc với các tiểu đoàn tên lửa trên đó, anh cho Quang về đi cùng với tôi.

- Vậy thì xin nhường chính ủy vậy. – Phùng cười vui vẻ: – Tôi thấy, anh cũng nên bảo Tiến hoặc Đào đi cùng chuyến này để nghiên cứu trước kế hoạch sử dụng không quân vào bảo vệ Cầu Phú Lương.

- Tiến thì đang bận với công việc tiếp nhận đợt viện trợ mới. Có thể là Mích 21 trang bị vũ khí tên lửa. Còn Đào thì cô Hương, vợ anh ấy, lại từ Thái Bình lên. Cũng nên chiếu cố nguyện vọng có một đứa con của họ. Cả hai người đều đã ở độ tuổi 40 cả rồi. Mấy lần trước cô ấy lên, Đào đều phải đi công tác đột xuất cả. Lần này, để anh ấy giữ “gôn” ở sở chỉ huy, tranh thủ những buổi tối ra nhà khách với cô ấy... Về việc sử dụng không quân, tôi sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu kỹ với anh em.
- Tán thành. Nếu có việc gì cần bàn cụ thể cứ gọi về Sở chỉ huy Trung đoàn Hạ Long cho tôi.
Đặng lên đường cùng với Quang và các cán bộ tham mưu. Cẩn thận hơn, ông còn đề nghị Bộ Tư lệnh Liên khu 3 cử chủ nhiệm phòng không của liên khu cùng đi.

Kim, bí thư bộ tư lệnh định điều hai xe nhưng chính ủy gạt đi. Ông không dùng xe riêng mà cùng ngồi với mọi người trên một chiếc xe commăngca đít vuông cũ kỹ, vừa để tiết kiệm xăng xe vừa để hòa đồng cùng anh em, dễ trao đổi với nhau trên đường đi. Chiếc xe bon chạy trên Đường 5, chốc chốc lại phải tránh từng đoàn từng đoàn xe tải trùm kín bạt vải hối hả chạy từ Hà Nội xuống, Hải Phòng lên. Nhịp độ vận chuyển trên con đường sắt sóng đôi với Quốc lộ 5 cũng dồn dập liên tục. Cứ cách 5 phút lại có một đoàn tầu với những toa hàng dài rằng rặc chạy từ Hải Phòng lên. Ông nhìn những đoàn tàu, đoàn xe chạy băng băng trên đường với cảm giác vừa phấn khởi vừa lo âu. Rồi đây, bầu trời trên tuyến đường chiến lược này sẽ không thể êm ả thanh bình như hiện nay nữa. Trách nhiệm lơn lao đang đè nặng lên vai Quân chủng PKKQ. Và, ông cảm thấy chuyến đi này như là trở lại chiến trường xưa tổ chức những trận quyết chiến trên tuyến giao thông chiến lược.
Bí thư Tỉnh Hà Dương, bạn cùng trong tỉnh cũ với Đặng và Tỉnh đội trưởng Lê Thừa Giáo ra tận cổng trụ sở đón đoàn. Không khí thân tình, cởi mở diễn ra ngay từ phút đầu cuộc gặp.
Được biết ý định mục đích chuyến đi của đoàn, bí thư tỉnh nói:

- Đối với tỉnh chúng tôi, Chính ủy Đặng là người nhà. Các đồng chí trong đoàn cần nghiên cứu tìm hiểu vấn đề gì cứ bảo. Chúng tôi sẽ cử cán bộ đặc trách việc đó đến báo cáo. Để tiện cho các đồng chí nắm được tình hình chung toàn tỉnh, tôi xin báo cáo vắn tắt nghị quyết mới đây của tỉnh:

Chúng tôi xác định Đường số 5 là tuyến quyết chiến của toàn tỉnh. Đảm bảo giao thông thông suốt trên tuyến đường là nghĩa vụ, trách nhiệm của Hải Dương với cả nước. Phương châm tác chiến là bảo vệ trọng điểm kết hợp với bảo vệ toàn tuyến. Tập trung bảo vệ Cầu Phú Lương và Cầu Lai Vu. Tổ chức và xây dựng lưới lửa rộng khắp đánh máy bay địch, chốt chặt trên các đoạn đường xung yếu và ven sông lạch, tiêu hao và phân tán địch từ vòng ngoài mục tiêu. Đồng thời, gấp rút thi công làm Đường số 5B vòng tránh qua hai chiếc cầu trọng yếu.
Tỉnh đội trưởng Lê Thừa Giáo tiếp lời bí thư tỉnh:

- Căn cứ vào nghị quyết của tỉnh, phương án tác chiến được vạch ra là tập trung toàn bộ lực lượng phòng không hiện có vào bảo vệ hai chiếc Cầu Phú Lương và Lai Vu. Kiên quyết không phân tán lực lượng vào đâu, kể cả Thị xã Hải Dương, bộ mặt của tỉnh được chắt chiu xây dựng hơn chục năm qua. Thị xã đã bắt đầu thực hiện triệt để sơ tán. Nhân dân rất đồng tình với quyết định đó, vì đặt lợi ích cả nước lên trên hết.

Chính ủy Đặng đánh giá rất cao nghị quyết của tỉnh và phương án tác chiến đúng đắn của tỉnh. Ông nói:

- Điểm độc đáo nhất trong phương án tác chiến là trong tình hình lực lượng phòng không có hạn, Tỉnh dám để ngỏ thị xã, thực hiện sơ tán triệt để ngay, tập trung toàn bộ lực lượng bảo vệ hai mục tiêu trọng yếu nhất. Trước khi xuống đây, tổng tham mưu trưởng và tư lệnh chúng tôi cũng đã nhắc: Bảo vệ tuyến Đường 5 thực chất là phải giữ cho được hai chiếc cầu, trong đó Cầu Phú Lương là mục tiêu bảo vệ quan trọng nhất.

Đặng đề nghị với bí thư tỉnh:
- Tình hình chung của tỉnh chúng tôi đã nắm được. Giờ thì xin phép tỉnh cho đoàn chúng tôi được cùng tỉnh đội nghiên cứu kỹ hơn, cụ thể hơn phương án tác chiến, quan sát thực địa và tìm hiểu tại chỗ các trận địa bảo vệ hai chiếc cầu.
Bí thư Tỉnh Hà Dương đồng ý nhưng muốn giữ đoàn ở nhà khách tỉnh cho đến trưa để mời cơm đoàn, vừa tỏ lòng hiếu khách vừa bày tỏ sự vui mừng gặp lại Đặng, nguyên Bí thư Tỉnh Hải Dương trước đây.

Đặng từ chối khéo:
- Ăn với nhau một bữa cơm để mừng ngày hội ngộ thật là vui. Nhưng thời chiến bây giờ là phải chạy đua với địch về thời gian. Cho bọn mình khất đến dịp sau vậy.
Ông quay sang nói với Tỉnh đội trưởng Giáo:
- Cho bọn mình tranh thủ làm việc với bộ chỉ huy tỉnh đội.
Hà Dương biết tính Đặng từ hồi ở trong tỉnh cũ, công việc đối với Đặng là trên hết. Ông sống giản dị đến khắc khổ nhưng thân mật hòa đồng với anh em. Ông rất ghét thói bầy vẽ ăn uống, chè chén, tiệc tùng. Hà Dương đành nói với tỉnh đội trưởng:
- Vậy nhờ tỉnh đội tiếp đoàn hộ.
Đặng cười xuề xoà:
- Anh em bên tỉnh đội ăn uống thế nào thì cho bọn mình ăn như vậy. Nhân dân cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng đang chắt chiu từng bát gạo, chi viện cho tiền tuyến lớn. Không lẽ, bọn mình lại hưởng chế độ tiêu chuẩn riêng?
Sau khi nghiên cứu kỹ phương án tác chiến bên tỉnh đội, kết hợp với quan sát thực địa, kiểm tra chất lượng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị và xem xét các trận địa bảo vệ Cầu Phú Lương và Cầu Lai Vu cùng một số điểm bố trí đánh phối hợp của dân quân tự vệ, đoàn cán bộ Quân chủng PKKQ và Quân khu 3 đánh giá cao khả năng hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu của lực lượng tại chỗ.
Trong buổi làm việc cuối cùng với tỉnh ủy và tỉnh đội, Chính ủy Đặng phát biểu:
- Với lực lượng phòng không có hạn nhưng quyết tâm chiến đấu cao, biết tập trung bố trí đúng chỗ, kết hợp chặt với việc triển khai rộng khắp, đúng hướng lưới lửa bắn máy bay địch bay thấp của dân quân tự vệ và các đơn vị bộ binh, chúng tôi tin rằng Hải Dương có đầy đủ khả năng chiến thắng Không quân Mỹ ngay từ trận đầu.
Trong thời gian dẫn đoàn đi xem xét các trận địa phòng không của địa phương, Giáo thấy những nhận xét của Quang rất xác đáng. Anh cảm thấy mến mộ Quang, cho rằng trong con người này tiềm ẩn những tri thức quân sự phong phú. Đặng vừa nói hết, tỉnh đội trưởng liền quay sang Quang gợi ý anh phát biểu.
Quang giữ ý vì thủ trưởng của mình, chính ủy Đặng, đã phát biểu gần như kết luận rồi, anh không muốn phát biểu gì thêm nữa. Nhưng Đặng đã nhìn Quang như khuyến khích anh:
- Tôi quên chưa giới thiệu với các anh, đồng chí Quang đây là phó tham mưu trưởng phụ trách bộ đội tên lửa của Quân chủng PKKQ. Đồng chí Quang có công nhiều trong việc huấn luyện xây dựng Bộ đội Tên lửa Phòng không và tham gia chỉ huy đơn vị tên lửa đầu tiên đánh thắng trận đầu. Đồng chí vừa chỉ huy Cụm Tiền phương 2 của quân chủng phát triển thế chủ động tiến công liên tiếp đánh thắng địch ở Nam Ninh Bình và Bắc Thanh Hóa. Tin chắc là đồng chí Quang có thể có nhiều ý kiến bổ sung thêm.
Quang phát biểu sôi nổi:

- Với cái nhìn khắt khe về chiến thuật, bằng lực lượng phòng không hiện có, tỉnh bố trí trận địa pháo và các điểm phục kích từ xa đón lõng đánh máy bay địch bay thấp dọc hai bờ Sông Lai Vu và Sông Thái Bình như thế là rất hợp lí. Công trình lấp cái đầm thôn Tràng để xây dựng trận địa cho Đại đội 19 đón đánh máy bay địch bổ nhào ném bom Cầu Lai Vu là một sáng kiến. Với dự kiến địch bay thấp tiếp cận mục tiêu, đến cự li cách mục tiêu 6 đến 8 kilômét, chúng sẽ cất cao bổ nhào để ném bom mục tiêu, tôi và các cán bộ tham mưu trong đoàn đo đạc và ước lượng thấy trận địa của Đại đội 19 Tiểu đoàn 14 bảo vệ Cầu Lai Vu nên dịch thêm khoảng trăm mét nữa ôm sát lấy chân cầu chắc chắn hiệu quả xạ kích sẽ cao hơn.
Phương án tác chiến của tỉnh nhà phải đặt trong tình huống địch dùng thủ đoạn chiến thuật bay thấp tiếp cận và ném bom Cầu Phú Lương và Cầu Lai Vu. ở các địa bàn khác phổ biến là địch đã dùng thủ đoạn chiến thuật đó để đối phó với tên lửa ta. Vì lực lượng bộ đội tên lửa ta còn chưa phát triển được nhiều, nên Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, các tỉnh bên Tả ngạn sông Hồng, chưa xây dựng trận địa tên lửa. Vậy thì muốn “vít đầu” địch xuống cho các lực lượng tại chỗ đánh được địch, tôi đề nghị ta phải xây dựng các trận địa tên lửa giả lừa địch ở những địa điểm có thể uy hiếp trực tiếp đường bay địch vào tiến công các mục tiêu trên.
Không gian tác chiến phòng không rất rộng lớn. Nó vượt ra ngoài địa giới của một tỉnh. Muốn vào Hải Dương, đường bay của địch ắt phải qua là Thái Bình và Kiến An. Tôi đề nghị ít nhất là 3 tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Kiến An Hải Phòng cần phải hiệp đồng chặt chẽ trong tác chiến phòng không. Phải bố trí đón đánh máy bay địch bay thấp ngay từ vùng các cửa Sông Văn Úc và Thái Bình. Trung đoàn Thành Tô thuộc quân chủng sẽ giãn một phần đội hình bảo vệ thành phố cảng ra phía sông Văn Úc diệt một phần sinh lực địch. Còn Đại đội Mích 17.F vừa tăng cường cho Hải Phòng, cất cánh từ Sân bay Kiến An cơ động chiến đấu diệt và phá vỡ đội hình địch ngay từ khi chúng bay vào đất liền...

Đặng thường nhận xét Quang có nhiều ý kiến đóng góp sắc sảo. Ông hơi bất ngờ với vấn đề anh vừa nêu. Tuy vậy, với cách nhìn rất thoáng, ông không hề phật lòng trước việc Quang đề cập đến những vấn đề thuộc phạm vi quân chủng mà không trao đổi trước với chính ủy. Ông chủ động đưa ra một giải pháp:

- Vậy tôi đề nghị thế này: Tôi và chủ nhiệm phòng không quân khu cùng tỉnh đội trưởng sang ngay Thái Bình rồi xuống Hải Phòng bàn về hiệp đồng tác chiến trong khu vực, tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ Đường 5. Nhân đó, tôi sẽ giao nhiệm vụ thêm cho đơn vị không quân tiêm kích đóng ở Sân bay Kiến An và Trung đoàn Pháo cao xạ Thành Tô. Còn anh Quang về ngay quân chủng, chỉ đạo bộ tham mưu phối hợp với các tỉnh Hải Dương, Thái Bình lập một số trận địa tên lửa giả đánh lừa uy hiếp địch. Ông cười vui hể hả. Nghệ thuật quân sự của tổ tiên cha ông ta đã từng biến không thành có, biến ít thành nhiều. Địch khiếp sợ uy lực tên lửa và đang lâm vào thế bị động đối phó với tên lửa phòng không thì ta phải biết khoét sâu thêm lỗ hổng về tinh thần và tâm lý này của chúng làm cho chúng càng thêm bị động lúng túng hơn nữa.

Bí thư Tỉnh Hà Dương rất đồng tình với giải pháp của Chính ủy Đặng:

- Anh sang Thái Bình cũng như về Hải Dương đây. Các anh trong tỉnh bên ấy vẫn thường nhớ đến Bí thư Tỉnh Đặng kiêm Tư lệnh mặt trận Thái Bình vào những tháng ngày sóng gió khó khăn nhất khi quân Pháp mới chiếm đóng Thái Bình. Ông lão du kích Phan Văn Mão, ở làng Nguyên Xá hiện nay vẫn còn giữ làm kỷ niệm chiếc nón mê, bị cói và chiếc gậy giả trang của anh khi đi phát động chiến tranh du kích toàn tỉnh chống lại các cuộc càn quyét đẫm máu của giặc. Tôi tin rằng anh sang bên ấy sẽ rất thuận lợi. Thái Bình sẵn sàng chia lửa ngay với Hải Dương góp phần bảo vệ tuyến đường huyết mạch của cả nước.

Chuyến đi của Chính ủy Đặng cùng các cán bộ PKKQ đã đánh giá được đầy đủ khả năng của lực lượng phòng không của các tỉnh đồng bằng Tả ngạn Sông Hồng nói chung và Hải Dương nói riêng. Chính sự đánh giá đúng đắn đó cùng với sự phân tích khả năng địch đã dẫn đến đề nghị táo bạo lên bộ tổng tham mưu: Trong thời gian trước mắt vẫn tiếp tục giữ vững và tập trung lực lượng cơ động của Quân chủng PKKQ và các quân khu trên các hướng cũ, thừa thắng đánh giãn địch ra thêm một bước.
Tổng Tham mưu trưởng đã chấp thuận đề nghị ấy. Các Cụm Tiền Phương đang tác chiến cơ động ở Bắc Thanh Hóa, ở Phú Thọ Yên Bái Lào Cai cũng như ở Hà Bắc Quảng Ninh tranh thủ ưu thế chủ động đã liên tục tiến công vào các đường bay của địch, liên tiếp thắng nhiều trận lớn.

Phùng từ Mặt trận Đông Bắc trở về quân chủng nghe Đặng và Phó Tham mưu trưởng Quang báo cáo lại chuyến đi, phấn khởi nhận xét:
- Thế là nhờ tổ chức được những trận đánh phòng không quy mô tập trung ở những hướng quan trọng, ta đã bẻ gãy các bước leo thang của địch, làm cho chúng bị tổn thất nặng buộc phải chậm mở đợt đánh phá mới ở Đường số 5. Ngược lại, sự lớn mạnh vững vàng của lực lượng phòng không các tỉnh ở đồng bằng Tả ngạn Sông Hồng, nhất là ở Hải Dương đang tạo điều kiện cho các cụm tiền phương phát huy thắng lợi lớn hơn.

Với vẻ mặt trầm ngâm suy tư, Đặng phân tích:
- Tuyến Đường số 5 lúc này đang chiếm một địa vị chiến lược quan trọng trên mặt trận giao thông vận tải. Để chủ động trước mọi tình hình, ta vẫn phải có kế hoạch chuẩn bị sẵn lực lượng lớn bảo vệ Đường số 5. Ngoài việc chỉ đạo bộ tham mưu phối hợp với Hải Dương và Thái Bình lập một số trận địa tên lửa giả đánh lừa và uy hiếp, buộc địch phải bay thấp tạo điều kiện cho lưới lửa tầm thấp của các địa phương diệt địch, tôi đã giao cho anh Quang chủ trì việc xây dựng phương án tác chiến tập trung bảo vệ trọng điểm Cầu Phú Lương.

Phùng tán thành sự phân tích của Đặng, ông nói:

- Trung đoàn Trần Phú mới điều ở miền Tây về, vừa hoàn thành chương trình huấn luyện chuyển pháo 57 ly. Trước mắt hãy điều trung đoàn về tăng cường bảo vệ Đường 5. Ngoài ra, tôi cũng đã lệnh cho Ban chỉ huy Trung đoàn Hạ Long đi chuẩn bị trước trận địa ở Hải Dương. Trung đoàn dự kiến điều Tiểu đoàn 84 về hướng đó.
Đợi cho hai thủ trưởng quân, chính nói xong, Quang mới đề nghị thêm:

- Chuẩn bị sẵn kế hoạch phương án tác chiến và lực lượng là rất quan trọng. Nhưng việc theo dõi sát tình hình địch, ta không thể lơ là một phút. Tôi đề nghị phải kịp thời khai thác nắm bắt các tin tức về địch từ mọi phía; nguon tình báo chiến lược của bộ, cung giặc lái, các hãng thông tấn báo chí và hoạt động của máy bay trinh sát địch...
Phùng mỉm cười:
- Điều đó thì hoàn toàn nằm trong tầm tay của bộ tham mưu rồi. Với lại, về việc khai thác cung giặc lái thì ta đã có những cán bộ quân báo tài hoa, mưu trí.
Tôi và chính ủy gửi lời khen ngợi phòng quân báo, đặc biệt là nữ đồng chí Minh Thúy đã khôn khéo làm cho hai tên giặc lái sừng sỏ chỉ huy Liên đội 18 dốc hết ruột gan nói ra những điều bí mật quan trọng.

Đặng ân cần quan tâm:
- Bao giờ thì cô ấy sinh? Bảo cô ấy cố gắng kèm cặp cho Kiều Trinh nhanh chóng quen việc, phân công cho hợp lý, cô ấy đỡ vất vả hơn.
- Vâng, xin cảm ơn các thủ trưởng.

*
Ngày 5 tháng 11 năm 1965, Tàu Sân bay Ôrítxcany vượt qua Hạm Inđêpenđen đến thả neo cách Đèo Ngang 150 kilômét về phía Đông. Theo kế hoạch của Bộ chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm 77 thuộc Hạm đội 7, Ôrítxcany phối hợp với Inđêpenđen đánh phá khu vực số 3. Do hiệp đồng liên hạm và tính chất quan trọng của mục tiêu trong khu vực mà Oasinhtơn đặc biệt theo dõi nên tướng hai sao Étuốc Aolâu, Tư lệnh Đặc nhiệm 77 phải đích thân vạch kế hoạch và chỉ huy.

Áo lâu phong thanh trên ve áo của y sẽ được gắn thêm sao nếu trận này hắn chỉ huy hai hạm đánh sập được chiếc cầu sắt ba vòm trên Quốc lộ số 5 nối cảng Hải Phòng với Hà Nội. Hắn không muốn lực lượng không quân đệ thất hạm đội bị tên lửa Sam.2 của Bắc Việt đánh đòn phủ đầu nên càng rất thận trọng trước khi ra lệnh xuất kích. Đích thân hắn gặp tướng Mo, Tư lệnh Không quân Mỹ ở Nam Việt Nam trên đường dây nóng yêu cầu phóng máy bay không người lái trinh sát kỹ nhiều lần khu vực số 3.
Trong ngày 4 tháng 11 năm 1965, Đại đội 25 Đoàn Rađa Ba Bể đã hai lần bắt được tín hiệu mục tiêu C130 lảng vảng cách cửa Bà Lạt 150 kilômét về phía Nam trên độ cao 10 ngàn mét. Sau đó, từ điểm phát hiện mục tiêu C130 thấy tách ra một tín hiệu nhỏ và mảnh như mẩu sợi tóc. Trắc thủ phải có đôi mắt tinh tường và kinh nghiệm mới phát hiện tín hiệu rất nhỏ mảnh như vậy. Đó là hai chiếc máy bay không người lái. BQM34 trinh sát tầng cao được phóng vào đất liền bay dọc theo sông Thái Bình đến Lục đầu Phả Lại rồi vòng về Đông Nam theo Sông Kinh Thầy, Lai Vu ra cửa Sông Văn Úc. Từ độ cao 18 kilômét, 2 chiếc BQM34 đã chụp được rất rõ toàn bộ đồng bằng Tả ngạn Sông Hồng với những trận địa pháo và tên lửa. Thể theo yêu cầu của Bộ chỉ huy Đặc nhiệm 77, các cuốn phim vừa chụp được truyền ảnh ngay về kỳ hạm Âucờlama Xiti, bản doanh của tướng Aolâu. Các sĩ quan không ảnh vội phân tích và trình những dữ liệu lên Bộ chỉ huy đặc nhiệm 77: “Quanh hai chiếc Cầu Phú Lương và Lai Vu đều có nhiều trận địa pháo cao xạ. Trận địa tên lửa mới xây ở 5 địa điểm: Cẩm Giàng, Gia Lộc, Đông Nam Cầu Lai Vu 16 dặm, Ninh Giang và Thái Thụy, Sân bay Kiến An có máy bay Mích ở bãi đỗ. Tờ trình kèm theo những tấm ảnh chụp lại từng trận địa tên lửa và toàn cảnh sân bay Kiến An.

Tướng Aolâu lật đi lật lại từng tấm ảnh, dùng kính lúp soi rất kỹ không phát hiện ra điều gì khả nghi. Hắn lẩm bẩm chửi thề:
-Thế mà bọn quân báo “chó đẻ” của lão Mo cứ cam đoan là tên lửa Sam.2 của Bắc Việt mới chỉ triển khai được ở bên Hữu ngạn Sông Hồng, Mích của Bắc Việt chỉ có ở sân bay Phúc Yên (Nội Bài) và Sân bay Kép.
Hắn liền lệnh cho ban tham mưu hành quân vạch ngay kế hoạch chống tên lửa Sam.2 và đề phòng Mích, triệt để áp dụng chiến thuật bay thấp ngay từ khi bay vào Hải phận của Bắc Việt.
5 trận địa tên lửa giả do Quang đề xuất và chỉ đạo bố trí đã bước đầu phát huy tác dụng uy hiếp buộc địch phải bay thấp đối phó với tên lửa. Còn dãy máy bay Mích, địch chụp được ở bãi đỗ sân bay kiến An cũng là máy bay giả do Đào bố trí lừa địch.
Étuốc Aolâu trực tiếp giao nhiệm vụ chỉ huy trận đánh phối hợp liên hạm Ôrítxcany và Inđêpenđen cho tên Trung tá Giênkin. 12 giờ 30 phút ngay 5 tháng 11 năm 1965, Giênkin dương dương tự đắc leo lên chiếc A.4-E. Trước đó, hắn oang oang tuyên bố với đồng bọn: “Tao bao giờ cũng hành động theo phương châm: Không nên phí sức với những cú đấm vỗ mặt mà phải bất ngờ nện những đòn hiểm từ sau lưng đối phương”.

Cách Nam Bạch Long Vĩ 100 kilômét, Giênkin tập hợp đội hình sau khi toàn đội được tiếp dầu trên không phận. Từ đây, hắn dẫn đội vòng trái và đột ngột hạ thấp độ cao xuống 200 mét. Đồng thời phân công cho 2 tốp, tiêm kích kiêm cường kích F.8 bay vượt lên trước đội hình tập kích Sân bay Kiến An và trận địa tên lửa Đông Nam Lai Vu 16 dặm.
Hai tốp F.8 đã nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ, không gặp sự chống trả nào mà cũng không dùng hết cơ số rốckét và tên lửa đã hủy diệt được 8 chiếc Mích trên bãi đỗ Sân bay Kiến An và trận địa tên lửa ở Đông Nam Cầu Lai Vu. Chúng liền quay trở lại nhập vào đội hình của Giênkin bảo vệ phía sau nhưng chúng tin chắc là Sân bay Kiến An chẳng còn Mích đâu nữa mà cất cánh.

Chính lúc ấy, 4 chiếc Mích 17F do Lê Trọng chỉ huy, đã rời khỏi đường băng Sân bay Kiến An. Từng cặp hai chiếc một, Trọng, Tức; Bách, Thưởng cất cánh xong là tập hợp lại với nhau, xông thẳng đến chặn đánh địch. Trọng phân công: Tốp của anh đánh vào khúc giữa, còn tốp Bách, Thưởng đánh vào khúc đuôi đội hình địch. Giênkin yên chí có F.8 bảo vệ phía sau, bị bất ngờ không đối phó kịp, nên cặp bay Trọng, Tức cứ việc dàn hàng ngang lên đồng thời công kích, bắn rơi tại chỗ liền 2 chiếc A.4.E. Còn Bách, Thưởng vất vả hơn vì phải quần nhau với bọn tiêm kích F.8, nên mãi mới bắn rơi được 1 chiếc F.8.

Vì cự li giữa Kiến An và Cầu Lai Vu khá gần, loáng một cái, biên đội Trọng đuổi đánh địch đã vào đến phạm vi hỏa lực bảo vệ mục tiêu nên phải rút ra. Tuy vậy, đòn phủ đầu bất ngờ từ trên không nay ngoài dự kiến của Giênkin và đồng bọn nên chúng rất hoang mang bối rối không còn tập trung được toàn bộ tinh lực vào bứt phá mục tiêu.
12 giờ 50 phút, Sở chỉ huy tiểu đoàn 14, đơn vị pháo cao xạ chủ chốt bảo vệ Cầu Lai Vu nhận được một tình báo phát gấp từ Đại đội rađa 25 Đoàn Ba Bể. Nhưng chiến sĩ đánh dấu đường bay mới đi được 3 mũi chì thì nguồn tình báo bị đứt đoạn. Mục tiêu mất ở toạ độ X cách cửa Bà Lạt 50 kilômét.

Đang dự hội nghị đảng ủy tiểu đoàn mở rộng, Tiểu đoàn trưởng Hoàng Diễn vội trở lại ngay vị trí chỉ huy. Đơn vị đã vào báo động cấp 1. Anh vội chỉ thị cho các đại đội cảnh giới kỹ Hướng Đông Nam. Vẫn chưa phát hiện thấy mục tiêu. Bỗng tiếng súng máy, súng trường của dân quân Ninh Giang, Thanh Hà từ xa vọng lại báo hiệu đường bay địch đang bay qua.
- Tập trung quan sát mục tiêu bay thấp theo trục Sông Lai Vu. – Tiểu đoàn trưởng Hoàng Diễn quả đoán.

Không đầy mấy giây sau, từ đài quan sát hét vang:

- Hướng 34! 3 F.8 bay thấp.
Sao lại là F.8? Hoàng Diễn bình tĩnh phân tích, lệnh cho trinh sát bỏ tốp F.8, cảnh giới kỹ máy bay cường kích bay phía sau.
Tốp F.8 lao qua Ga Lai Khê theo trục Đường 5 nhằm vào Cầu Lai Vu. Trận địa phía đông nam cầu đã nổ súng, có cả tiếng trung liên của dân quân Xã Lai Vu trực chiến.

Tên Trung tá Giênkin đắc chí nhìn đường đạn bắn vào tốp tiêm kích F.8. Hắn tin chắc các ổ súng bảo vệ cầu đều đã quay nòng cả về hướng đông nam trước “quả đấm dứ” của tốp tiêm kích F.8. Và, những tốp A.4-E do hắn dẫn đầu sẽ dễ dàng thọc vào sau lưng đối phương giáng đòn quyết định.

Theo lệnh tiểu đoàn trưởng, các chiến sĩ trinh sát đã phát hiện ra những tốp A.4-E vòng lên phía bắc cầu. Nhận được báo cáo phát hiện ấy, tiểu đoàn trưởng xác định ngay đây mới là mục tiêu chủ yếu cần phải diệt. Anh lập tức ra lệnh cho các đại đội tập trung hỏa lực về Hướng Tây Bắc đúng như phương án tác chiến.

Giênkin vừa trả cần lái kết thúc vòng lượn và cất cao để lấy hướng bổ nhào ném bom, một màn lửa khói dầy đặc đạn cao xạ 37 đã vây bọc quanh chiếc máy bay A.4-E của hắn. Giênkin hiểu ngay là hắn đang đụng đầu với một đối thủ có kinh nghiệm. Phải uy hiếp đối phương! Hắn nghĩ vậy và ấn nút cắt bom ở độ cao 5000 phít (tức hơn 1600 mét)

Khói bom sặc sụa, mảnh bom bay vù vù. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 14 vẫn nhìn thẳng vào máy bay địch bổ nhào xuống đầu mình mà bắn. Tiếng súng nổ liên hồi như trống trận. Tốp máy bay bổ nhào nối đuôi sau Giênkin buộc phải ngóc đầu lên sớm, ngoặt gấp sang phải thoát khỏi luồng lửa đạn pháo.
Trận địa Đại đội 19, ở đầu cầu phía Tây, chếch 15 độ so với cầu, đã nhích lên gần như ôm sát lấy đầu cầu theo gợi ý của Phó Tham mưu trưởng Quang. Trận địa như một mũi lê đâm thuận tay nhất vào những tên giặc lái từ hướng tây bắc bổ nhào xuống ném bom cầu. Đây là trận địa đắp nổi trên đầm Thôn Tràng quanh năm nước ngập đến ngực. Thấy trước thế lợi hại bảo vệ cầu nếu đặt được trận địa ở đây. Tỉnh Hải Dương đã huy động trên một nghìn dân công của ba huyện Nam Sách, Kim Thành, Thanh Hà về lấp đầm xây dựng trận địa trong gần một tháng.

Các chiến sĩ Đại đội 19 hiểu sâu sắc mỗi tấc đất trên trận địa này đều thấm đượm bao mồ hôi của nhân dân. Nhìn chiếc máy bay địch bị bắn cháy nhưng chưa rơi, cổ các chiến sĩ như bị nghẹn lại:
- Phải bắn rơi địch tại chỗ!
Lời thề đó như bật lên từ lòng đất, truyền đi các khẩu đội. Khi chiếc F.8 dẫn đầu cuộc đánh phá đợt hai bổ nhào xuống đúng tầm bắn thì tám khẩu pháo cùng gầm lên một lúc. Luồng lửa đạn pháo chụp trúng chiếc F8. Nó bị tiện ra làm 2 khúc, cái đuôi quay như chiếc chong chóng rơi, khúc đầu theo đà còn lao tới cắm xuống chân đầm. Một chấm trắng nhỏ tách ra, mỗi lúc một rõ hình cái dù.

Bà con nông dân Xã Lai Vu gặt lúa ở cánh đồng sát đầu cầu nhìn thấy rất rõ cảnh chiếc máy bay F.8 bị bắn trúng. Quên cả bom đạn đang nổ cạnh, mọi người cùng hô vang:

- Bắt sống lấy thằng giặc lái Mỹ!
Chủ tịch xã và ba người khác đang nấp ở chỗ gần tên giặc lái vừa chạm đất. Liềm cắt lúa trong tay, bốn người cùng xông lên. Khi chủ tịch xã hô, tên giặc lái vừa giơ tay hàng thì Lãng - một cô gái - cúi xuống dùng liềm cắt ngay sợi dây dù trói nó lại.
Vừa dứt tiếng bom tiếng đạn pháo được ít phút, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 14 đã nghe thấy tiếng động cơ máy bay trực thăng Mi.4 quen thuộc. Chiếc máy bay đỗ xuống giữa trận địa Đại đội 19. Anh em nhận ra Quang, người đã đến quan sát đo đạc kỹ trận địa và góp ý với đơn vị, đi cùng với một cán bộ cấp trên đầu hói. Quang giới thiệu, anh em mới biết đó là Tư lệnh Quân chủng PKKQ. Ông thân mật vẫy cán bộ chiến sĩ lại gần mình rồi phấn khởi nói:
- Theo số liệu vừa phân tích của Bộ Tham mưu Quân chủng PKKQ, đây là một trận thắng rất xuất sắc, một bước trưởng thành vượt bậc, điển hình của các lực lượng vũ trang nhân dân địa phương. Ta: 1 tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly được tăng cường thêm một đại đội cộng với 32 chốt bắn máy bay tầng thấp của dân quân các huyện. Địch: 42 chiếc máy bay của hai tàu sân bay tập kích quy mô vào chiếc cầu dài 150 mét. Trận thắng càng có ý nghĩa với lực lượng so sánh không cân sức với lực lượng địch như vậy. Tất nhiên, không thể không ghi công cho không quân tiêm kích ta bất ngờ xuất kích diệt địch ở vòng ngoài.

Tiểu đoàn trưởng Hoàng Diễn nghe tin Tư lệnh PKKQ đến tận trận địa Đại đội 19, liền tức tốc phóng xe đạp đến. Quang giới thiệu Diễn với Tư lệnh. Ông liền bắt tay anh, lắc rất mạnh:

- Hoan hô chiến công của Tiểu đoàn 14. Tôi thông báo một tin vui. Đêm nay, Trung đoàn pháo cao xạ Trần Phú, đơn vị đã đánh thắng địch ở phía tây Trường Sơn, vừa hoàn thành kế hoạch huấn luyện chuyển pháo 57 ly, hành quân về đây cùng hiệp đồng tác chiến với các đồng chí. Và, cũng trong đêm nay, Tiểu đoàn 84 tên lửa cơ động về trận địa chuẩn bị sẵn ở Hải Dương. Tin chắc rằng, chúng ta sẽ cho bọn Không quân Mỹ một bài học nhớ đời trên con đường 5 dày truyền thống này.
Tư lệnh dừng lại, thân thiết điểm mặt từng cán bộ chiến sĩ vây quanh, dặn dò thân mật:

-Tin vui nội bộ đấy nhé, báo cho anh em thêm phấn khởi. Tai vách mạch rừng, chớ có bép xép mà rách việc to đấy!
*
Sau trận đánh ngày 5/11/1965, Mặt trận Đường số 5, lại im ắng. Trong khi đó, ở các mặt trận phía nam và đông bắc liên tiếp diễn ra nhiều trận đánh quyết liệt. Đặc biệt, cuộc chiến đấu mặt đối mặt của bộ đội tên lửa phòng không với địch đang bước vào thời kỳ ác liệt.

Trong một buổi giao ban, sở chỉ huy quân chủng, Phùng nhận định:
- Sau trận đầu thất bại ở Lai Vu, địch phải tạm dừng để củng cố và rút kinh nghiệm. Nhất định chúng sẽ đánh lại Đường 5. Mục tiêu đeo đuổi nhất quán của địch không có gì khác là hai chiếc cầu. Chừng nào chúng chưa phá sập đuợc Cầu Phú Lương và Cầu Lai Vu chúng còn cay cú tiếp tục đánh phá. Cần phải có sự cảnh giác thường trực, không thể lơ là đối với âm mưu thủ đoạn địch. Bộ tham mưu cần bám sát từng bước di chuyển của những chiếc tàu sân bay địch. Vì đây là nơi xuất phát của các phi đội máy bay Hạm đội 7 đi đánh phá Đường 5.

Đặng bổ sung:

- Chúng tôi vừa nhận được bản tin địch do nữ đồng chí Minh Thúy cung cấp: "Ông chủ Nhà Trắng Mỹ đang yêu cầu gắt gao Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương phải thúc không quân Hạm đội 7 cắt đứt được con đường nối liền cảng Hải Phòng với Thủ đô của Bắc Việt trước tháng 12...". Qua bản tin này, càng có thể khẳng định không quân của Hạm đội 7 được chọn làm lực lượng chủ yếu đánh phá. Vì thế ta phải nắm thật chắc động thái của các tàu sân bay, mới phát hiện kịp thời địch rục rịch đánh phá trở lại Đường 5.

Quang đang phiên trực chỉ huy cũng được tư lệnh gọi đến tham gia ý kiến.

Tư lệnh chỉ về phía Quang nói:
- Đồng chí Quang là người thay mặt bộ tham mưu đi cùng chính ủy về Hải Dương nghiên cứu chiến trường, đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng vào phương án tác chiến bảo vệ Đường 5. Đồng chí cũng là người cùng tư lệnh đáp trực thăng xuống nghiên cứu tại trận ngay sau khi phân Cụm Lai Vu vừa đánh thắng trận đầu, bảo vệ vững chắc Cầu Lai Vu. Vậy đồng chí có ý kiến gì phát biểu?

- Thưa tư lệnh và chính ủy, ở Biển Đông hiện nay có 3 tàu sân bay Mỹ. Đúng như các thủ trưởng vừa chỉ thị, bộ tham mưu đã yêu cầu phòng quân báo bám sát chặt sự di chuyển của chúng. Tin mới nhất là tàu sân bay Inđêpenđen đã nhổ neo quay mũi xuống phía nam. Chắc nó đã bị thiệt hại nặng sau những trận tham chiến ở Đường số 1 Bắc, ở tuyến đường phía nam và trong trận Lai Vu vừa qua phải về tuyến sau bổ sung lực lượng. Tàu sân bay Risơớc nằm lì tại trạm Đinhxi suốt từ khi mới ở Mỹ sang, nay lại đang ngược lên phía bắc, chắc là lên thay thế cho Inđêpenđen và có thể làm nhiệm vụ chủ yếu trong kế hoạch đánh phá sắp tới.

Một số vấn đề khác cũng phải được đặt ra để nghiên cứu kịp thời. Trước mắt, địch có thể huy động lực lượng đánh phá Đường số 5 lớn hơn vừa qua không? Đánh cả hai Cầu Phú Lương và Lai Vu cùng một lúc hay đánh từng mục tiêu một? Tại sao địch không đánh vào Cầu Phú Lương trước Cầu Lai Vu? Ta phải làm rõ những vấn đề này vì nó có liên quan đến việc, bố trí lực lượng của Đoàn Trần Phú cho đúng nơi đúng chỗ. Tôi đề nghị quân chủng xin phép bộ cho ta tiếp tục khai thác thêm cung giặc lái bổ sung thêm những nguồn tin tình báo khác.

Tư lệnh chất vấn Bản, trưởng phòng quân báo:
- Vì sao đến hôm nay, ta vẫn chưa khai thác được gì ở tên đại úy giặc lái Hốpman bị bắt trong trận Lai Vu ngày 5 tháng 11?
Bản đáp:

- Báo cáo thủ trưởng, tên Hốpman khi nhảy dù ra, bị văng mất mũ bảo hiểm. Tốc độ máy bay rất lớn, gió thổi rất mạnh vào con mắt hắn làm mắt bị tổn thương nặng. Hắn cứ nhắm nghiền mắt kêu giời, kêu Chúa, chẳng chịu hé răng cung khai nửa lời...

- Phải có cách chứ! Tư lệnh ngắt lời anh.

- Thưa...
- Thưa với gửi gì, anh đã bàn bạc với ông Mai Lãm trên trại giam và với các anh chị em nhà mình chưa? - Tư lệnh lại ngắt lời anh lần nữa: - Thử điện hỏi ông Thùy, Chủ nhiệm Khoa Mắt 108 xem đã dùng thuốc gì chữa cho mấy anh em phi công ta cũng bị tổn thương mắt trong trường hợp tương tự.

- Vâng, chúng tôi xin làm ngay.

Ngay sau đó, Bản đã thân chinh đến gặp Thùy, chủ nhiệm khoa mắt trình bày cụ thể sự việc và được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của Thùy. Chủ nhiệm cho thứ thuốc nhỏ mắt "thần diệu" và còn định cử bác sĩ đi theo Bản. Anh đã từ chối khéo, chỉ xin nhận lọ thuốc nhỏ mắt và những lời dặn tương tự của Thùy vì trong đầu anh đã có sẵn một "kịch bản" lấy cung.

Bản về và gọi Minh Thúy, Kiều Trinh lên trao cho hai người lọ thuốc nhỏ mắt của Viện 108. Đồng thời trao đổi bàn bạc kỹ với hai người về "kịch bản" lấy cung.
Kiều Trinh hơi nhút nhát sợ mình chưa có kinh nghiệm, muốn Thúy đóng vai chính, cô chỉ đóng vai phụ làm y tá. Thúy không phải là ngần ngại nhưng cô nghĩ Kiều Trinh được học hành cơ bản, phát âm tiếng Anh chuẩn hơn, lại có chất giọng trẻ trung rất “Ănglê", dễ làm tên giặc lái phải nể sợ hơn. Cho nên Thúy đề nghị Kiều Trinh đóng "vai chính", mình chỉ phụ giúp thôi. Hơn nữa, cũng phải để Kiều Trinh quen với công việc đi, vì cô biết mình sắp đến lúc phải nghỉ đẻ.

Theo đúng kịch bản, cả hai người đều khoác áo bludơ trắng tinh, bước vào phòng biệt giam Hốpman. Kiều Trinh thân hình mảnh mai, chân dài, nhón gót bước nhẹ nhàng, điệu nghệ. Cô đeo chiếc đèn chiếu sáng chuyên khoa, với vành đai nhựa đen, trông cô càng duyên dáng như thắt chiếc dải lụa đên trên mái tóc óng mượt. Sỹ quan quản giáo dẫn hai cô đến trước mặt Hốpman tuyên bố:

- Bác sĩ đến khám mắt cho mày đấy!

Hốpman liền kêu lên thảm thiết:

- Mắt tôi rất bỏng rát. Có lẽ giác mạc bị hỏng mất rồi, xin hãy cứu tôi không tôi bị mù suốt đời!

- Được, anh hãy ngồi yên, để tôi xem cho.

Hốpman bỗng rướn thẳng người, dỏng tai nghe ngóng với nét mặt sửng sốt trước tiếng oanh trong trẻo, thánh thót như tiếng của nữ ca sĩ Mỹ hôm nào đến thăm tàu sân bay Ôrítxcany. Hắn xúc động đến run bắn cả người lên khi bàn tay thon dài thoang thoảng mùi thơm của Kiều Trinh banh mắt hắn rọi đèn vào xem.

- Không, giác mạc vẫn tốt chỉ hơi tấy đỏ chút xíu. Tôi nhỏ thuốc vào mắt anh sẽ thấy dễ chịu ngay.

Kiều Trinh lấy lọ thuốc trên khay Thúy bưng, mở nắp, dùng côngtơgút hút ra thứ nước trắng đục nhỏ vào hai con mắt của Hốpman rồi dùng bông sạch thấm hai hàng mi cho hắn.

Hốpman chớp chớp mắt liền mấy cái cho thuốc thấm đều giác mạc. Hắn cảm thấy dễ chịu hẳn, xin được nhỏ thêm lần nữa. Hắn nhắm nghiền mắt lại tận hưởng cái cảm giác khoan khoái mát rượt ở hai con mắt thay vì sự bỏng rát trước đây. Và hắn rối rít cảm ơn:

- Thật là "thần dược". Xin thú thực mấy hôm nay, tôi rất thất vọng chẳng còn thiết sống với đôi mắt đau đớn, khổ sở thế này nữa. Tôi rất mong được tiếp tục cứu chữa cho đôi mắt của tôi trở lại bình thường.

Như một người nhắc "vở" thành thạo, Minh Thúy ra hiệu ngay cho Kiều Trinh. Và, cô đã hiểu ý Thúy, liền nói với hắn.
- Điều đó, còn tùy thuộc ở thái độ của anh. Người Mỹ các anh rất thực dụng. Nếu anh biết điều đáp lại sự khoan hồng nhân đạo của chúng tôi thì hãy chứng minh bằng sự thành thật khai báo những điều chúng tôi cần biết.

- Vâng tôi hiểu, thưa quý cô xinh đẹp!

Hôm sau, Kiều Trinh đến nhỏ mắt xong cho Hốpman, hắn đã nói:

- Tôi xin sẵn sàng khai báo tất cả.

Kiều Trinh đưa cho hắn một tờ giấy và cây bút chì. Hắn đã viết lia lịa dầy kín 2 mặt trang giấy.
Qua lời cung của hắn, Bộ Tham mưu Quân chủng PKKQ đã khai thác được kế hoạch đánh phá tiếp Đường 5 của Không quân Hạm đội 7.

Tình cờ, đêm 13 tháng 11, một đơn vị pháo cao xạ bộ đội địa phương Tỉnh Quảng Bình đã chém đứt cánh của tên Trung tá Giênkin trong khi hắn dẫn đầu đồng bọn đánh vào đoàn xe vận chuyển trên đường Đồng Hới - Vĩnh Linh. Gienkin bị bắt sống.

Đúng là "cầu được ước thấy", các cán bộ Phòng Quân báo Quân chủng PKKQ bay vào ngay Đồng Hới. Minh Thúy cảm thấy "nặng nề" hơn với cái thai trong bụng cũng xung phong cùng đi. Bản ngăn không được đành để cô đi nhưng giao hẹn:

- Đây là lần cuối cùng thôi đấy nhé.

Cũng may, có Minh Thúy cùng đi, Kiều Trinh đỡ "tắc" khi dịch các từ về chuyên môn kỹ thuật, quân sự còn lạ lẫm với sinh viên vừa tốt nghiệp như cô.

Các cán bộ quân báo đã được dự một cuộc đối chứng rất lý thú. Cung của tên Hốpman đã được chính miệng tên Trung tá Giênkin, nguyên chỉ huy trưởng trận đánh phá cầu Lai Vụ hôm trước xác nhận và bổ sung thêm nhiều điều quan trong khác.

Trung đoàn Trần Phú, được giao quyền chỉ huy toàn Cụm phòng không Phú Lương-Lai Vu, nắm ngay lấy tài liệu quân báo vừa khai thác được bổ sung vào phương án tác chiến và bố trí điều chỉnh lại đội hình chiến đấu. Cầu Lai Vu được xác định là mục tiêu bảo vệ chủ yếu hiện nay của cụm. Ba đại đội mạnh nhất của Đoàn Trần Phú đều đưa về bảo vệ Cầu Lai Vu. Kể cả Tiểu đoàn 14 đã bố trí trước, phân cụm Lai Vu có tới 7 đại đội pháo cao xạ 37 và 57 milimét.

Quang được tư lệnh ủy quyền đến tận nơi kiểm tra sự bố trí và điều chỉnh đội hình của trung đoàn Trần Phú. Với tư tưởng quân sự đánh tập trung tiêu diệt lớn sinh lực địch, Quang yêu cầu Đoàn Trần Phú mạnh bạo điều thêm 2 đại đội pháo 57 nữa về bảo vệ Cầu Lai Vu và giao Tiểu đoàn tên lửa 84 dưới quyền chỉ huy của trung đoàn trưởng Trung đoàn Trần Phú. Quang yêu cầu di chuyển sở chỉ huy trung đoàn về gần mục tiêu bảo vệ để có thể trực tiếp và kịp thời chỉ huy toàn phân cụm bảo vệ Cầu Lai Vu. Được biết, Trung đoàn Trần Phú vì gấp rút hoàn thành chương trình huấn luyện chuyển pháo 57 chưa được bắn đạn thật, Quang quyết định cho đơn vị bắn thử.
Ngày 15 tháng 11, 5 đại đội pháo 57 của Phân cụm Lai Vu tổ chức bắn thử. Đất rung chuyển và bầu trời rực đỏ lên sau những chớp lửa đầu nòng gây cảm giác như buớc vào trận đánh thực sự.
(còn tiếp)
Nguồn: Bầu trời tình yêu. Vũ Thành. NXB Văn học, 2005. 

Không có nhận xét nào:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Bài viết ngẫu nhiên

Music


Truyện cười