Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử - Quê Hương Lai Vu
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Lời hay ý đẹp

Translate

Search

Giá chứng khoán

Mã CK TC Khớp lệnh +/-
Giá KL

Web Informer Button

23/4/09

Phải biến tham vọng của mỗi người thành động lực lao động sáng tạo

Từng là cựu chiến sĩ tù Côn Đảo, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Bộ trưởng Ngoại thương, Phó Thủ tướng Chính phủ rồi làm Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, ông Đoàn Duy Thành là một trong số ít nhà lãnh đạo năng động đã trải qua những thăng trầm của nền kinh tế đất nước. TS đã có cuộc trao đổi cởi mở với ông.
Được biết đến như một nhà kinh tế có tư tưởng cải cách từ rất sớm, con đường nào đưa ông đến với tư duy kinh tế?
Sinh ra trong một gia đình Nho học, năm 12 tuổi (1942) đã phải chứng kiến cảnh sa sút của gia đình. Trong một cam kết gán nợ do thua bạc, bố tôi đã để mất trắng 3 mẫu ruộng. Gia đình lâm vào cảnh khó khăn, phải bươn chải kiếm sống. Năm 1945, mới 16 tuổi, tôi lại chứng kiến thêm nạn đói khủng khiếp cướp mất 2 triệu đồng bào. Tôi đã trông thấy cảnh thương tâm của những em bé sơ sinh vừa ngậm vú mẹ vừa lả đi không cất nổi tiếng khóc vì mẹ em đã chết đói. Trong những năm sau đó, nhiều người đã chết một cách oan uổng vì thiếu ăn, thiếu tiền chữa bệnh. Nghèo đói đã làm suy yếu đi cả một dân tộc. Phải chăng đó là động lực để ông đi làm cách mạng?
Đúng vậy, khi nhận thức được căn nguyên của mọi đau khổ, tôi lao vào hoạt động cách mạng. Năm 1946, mới 17 tuổi, tôi đã làm bí thư chi bộ và tham gia trận đánh cầu Lai Vu ở quê nhà. Thành tích này đã góp phần không nhỏ tạo nên tên tuổi cho xã Cộng Hòa (Kim Thành, Hải Dương) quê tôi: Cộng Hòa vừa mới được đón nhận danh hiệu xã anh hùng.
Gần đây nhiều bài báo đã viết về câu chuyện ông cho nhập 160 tấn vàng như một huyền thoại, vậy cơ sở nào để ông có được những quyết định quan trọng đó?
Năm 1986, mất mùa liên tiếp, ta tự cô lập với thế giới bên ngoài, hàng hóa khan hiếm, lạm phát phi mã tới 780% năm. Nền kinh tế đất nước đang đứng trên bờ vực thẳm. Để kiềm chế lạm phát, các chuyên gia của WB và IMF dự kiến, Việt Nam cần phải có 1,7- 3 tỷ USD. Tại thời điểm đó, số tiền vài tỷ đô là vượt quá khả năng của nền kinh tế.
Trong thời kỳ ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ngoài bộ tư bản của Marx, tôi còn đọc một số tác phẩm của các nhà kinh tế học phương tây như: Adam Smith, Recardo, Keynes. Đặc biệt, Keynes là một nhà khoa học trong lĩnh vực tiền tệ. Từ những kiến thức đó, tôi cho rằng, muốn kiềm chế lạm phát, phải tạo thêm lượng hàng hóa cho lưu thông, thêm nữa Nhà nước phải có nguồn lực để can thiệp vào thị trường. Trong khi giá vàng thế giới chỉ tương đương với 1,4 triệu đồng/cây thì giá vàng trong nước đang ở mức hơn 4 triệu đồng. Nhập khẩu vàng là một giải pháp có tính khả thi.
Trong cuộc họp Bộ Chính trị bàn về kinh tế cuối năm 1987, với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, tôi đã trình bày phương án kiềm chế lạm phát, trong đó có việc cho nhập khẩu vàng bán lấy chênh lệch, giải quyết lạm phát. Giải pháp này đã không được chấp nhận vì: "lấy tiền đâu mà nhập, vàng chưa cần bằng lương thực…”. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không phản đối nhưng cũng không kết luận kiến nghị của tôi. Giờ giải lao, tôi trao đổi với Thủ tướng Phạm Hùng, tôi đã thuyết phục được ông và ông khuyên tôi nên gặp riêng Tổng Bí thư. Hôm sau, tôi đã gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh, và đã được ông đồng ý, nhưng không phổ biến việc này ra ngoài. Trong vòng 2 năm, các đầu mối đã nhập khẩu vàng với số lượng 160 tấn, quả là một con số ít ai có thể hình dung được. Nhờ những chính sách linh hoạt như vậy, đến năm 1990, mức lạm phát chỉ còn 67%, giảm hơn 10 lần…
Như vậy, mọi chính sách mà ông đề xuất đều có cơ sở lý luận?
Đúng vậy, tôi rất coi trọng lý luận, không có lý luận như người mù đi trong đêm, mò mẫm, thiếu định hướng không thể tiến nhanh tới đích. Tuy nhiên, hiểu lý luận một cách thấu đáo với đầy đủ bản chất khoa học mới là điều khó. Đã nhiều lần, tôi đề nghị với Bộ Chính trị là sau gần 20 năm đổi mới, nên sớm tổng kết thực tiễn của nền kinh tế thị trường. Đâu là thành tựu, đâu là thất bại cần phải có kết luận rõ ràng, đâu là khuyết điểm cần phải né tránh. Cần phải có một hoạch định dài hạn cho nhiều năm sau.
Hiện nay không ít người hoài nghi về chủ nghĩa Marx, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Không thể khẳng định những gì Marx viết ra đều đúng nhưng những nguyên lý cơ bản thì không sai. Về cơ bản, tôi vẫn trung thành với chủ nghĩa duy vật. Marx cho rằng, “vật chất quyết định ý thức”, điều này có nghĩa là phải có một lượng vật chất đủ lớn mới có thể làm được điều mình mong muốn. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội chúng ta cũng phải làm như vậy, phải làm thế nào có nhiều của cải vật chất là bài toán mà chủ nghĩa xã hội phải làm trước tiên.
Khổng Tử nói: "Nhân dục vô nhai" (tham vọng của con người là không có giới hạn). Làm thế nào để biến tham vọng của mỗi người thành động lực lao động, sáng tạo, là việc mà chủ nghĩa xã hội phải làm. Khi mọi nguồn lực được giải phóng sẽ tạo ra một động lực lớn để tăng trưởng kinh tế, đây là cơ sở để tạo nên sự giàu có của cộng đồng, như vậy chủ nghĩa xã hội mới thành công.
Cuộc trao đổi giữa tôi và ông thỉnh thoảng lại bị ngắt quảng bởi những cú điện thoại từ các nơi đổ về. Ông giải thích: một số anh em bạn bè cũ đến chúc Tết.
Tôi hỏi ông:
Ai là những người đến chúc Tết ông?
Anh em, bạn bè cũ, cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức nhiều thành phần, đủ cả.
Quà Tết thường có những gì thưa ông?
Thường là rượu, bánh kẹo, mứt tết và cả phong bì.
Ông quan niệm về những món quà đó thế nào?
Hiện nay tôi không còn giữ trọng trách gì nên tình cảm của anh em là trong sáng, không vụ lợi. Một số người sợ tôi thiếu tiền tiêu nên cho tiền.
Mỗi phong bì khoảng bao nhiêu tiền?
Vài trăm, dăm trăm, một triệu đủ cả.
Với ông, tiền có quan trọng không?
Quan trọng chứ, tôi đang ấp ủ ước mơ là xây dựng cho quê tôi một trường đại học tư thục về quản trị kinh doanh. Muốn làm được điều này phải có vốn đầu tư khoảng 50 tỷ. Một số doanh nghiệp đã sẵn sàng góp vốn. Tôi với tư cách là nhà sáng lập, anh em không yêu cầu phải góp vốn bằng tiền, nhưng có một ít tiền vẫn tốt hơn.
Ông sẽ làm gì với ngôi trường đó?
Giờ này nói ra là hơi sớm vì dự án vẫn nằm trên giấy, nhưng tôi nghĩ sẽ liên kết với một trường danh tiếng để chuyển giao công nghệ đào tạo tiên tiến của nước ngoài. Theo đó, những sinh viên theo học phải được đào tạo cả lý thuyết lẫn thực hành và có khả năng đảm đương những vị trí quan trọng ở các doanh nghiệp, các tổ chức ngay sau khi ra trường, đặc biệt là kỹ năng về quản trị kinh doanh.
Cám ơn ông!
Hải Lan (Thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Bài viết ngẫu nhiên

Music


Truyện cười