Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử - Quê Hương Lai Vu
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Lời hay ý đẹp

Translate

Search

Giá chứng khoán

Mã CK TC Khớp lệnh +/-
Giá KL

Web Informer Button

19/5/11

Một thời hào hùng

Suốt những năm giặc Mỹ đánh phá, Hải Dương ta cũng như mọi miền đất nước không nơi nào là không có bom đạn của kẻ thù dội xuống. Cầu Phú Lương và Lai Vu là trọng điểm ngày nào máy bay Mỹ cũng đánh.
Giặc lái Mỹ bị bắt sống tại Lai Vu (Kim Thành) ngày 5-11-1965
Ảnh tư liệu
Từ ngày thống nhất đất nước đến nay, ngoảnh đi ngoảnh lại đã 36 năm. Con số ấy đối với lịch sử là ngắn nhưng với một đời người cũng đã là dài. Một nửa con số tuổi thọ trung bình hiện nay rồi còn gì. Vậy mà mỗi lần nhớ đến những năm tháng cả nước đánh Mỹ, lại thấy những kỷ niệm vẫn tươi rói, y nguyên.

Tôi nhớ mãi ngày 5-8-1964, ngày đầu tiên giặc Mỹ mở cuộc đánh phá miền Bắc bằng không quân. Hôm ấy chúng đánh ở cửa sông Gianh (Quảng Bình), Vinh - Bến Thuỷ (Nghệ An), Lạch Tường (Thanh Hoá) và thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh). Lần đầu, tôi được biết thế nào là máy bay phản lực Mỹ. Lần đầu tiên, người dân miền Bắc biết thế nào là máy bay hiện đại mà tốc độ nhanh hơn tiếng động và tiếng gầm rú đinh tai nhức óc của nó. Ngay ngày hôm sau, làng Xuân Nẻo của tôi nhận được tin báo tử và thi hài anh Chung, người lính hải quân hy sinh tại Hạ Long trong cuộc đọ súng hôm trước. Nhà anh cùng xóm với tôi. Bà con trong xóm, trong làng đổ đến chật nhà, chật sân. Anh là liệt sĩ đầu tiên của làng tôi trực tiếp đánh Mỹ ngay trên đất Bắc. Cả làng thương anh lắm. Chị vợ anh ngất lên ngất xuống. Riêng bố anh không khóc. Mặt ông đanh lại. Ông thường nói với bà con là: "Đã đánh nhau làm sao tránh khỏi chết chóc. Buồn thương cũng có lấy lại được đâu". Tôi nhận ra rằng chiến tranh đã mang đau thương mất mát đến làng tôi, xóm tôi rồi.

Mức độ của chiến tranh phá hoại bằng không quân Mỹ ngày một lớn. Chúng đánh ban ngày, đánh ban đêm. Chúng đánh tất cả cầu cống, kho tàng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học... Một bóng áo trắng trên đường cũng thành mục tiêu để máy bay Mỹ lao xuống, ít cũng vài tràng rốc - két, nhiều là một vài chùm bom. Nước Mỹ giàu có tiếng. Máy bay Mỹ làm ra. Súng đạn Mỹ làm ra. Vì thế chúng không tiếc máy bay và không bao giờ hà tiện bom đạn. Chúng đưa vào những loại máy bay nổi tiếng như thần sấm (F105) có tiếng động cơ rít chói tai và chiếc cổ dài như mũi dùi khổng lồ xuyên thủng bầu trời. Dân ta gọi là máy bay cổ ngỗng. Rồi máy bay "con ma" (AD6). Dân ta gọi là máy bay vỉ ruồi vì nó giống cái vỉ đập ruồi đan bằng tre. Rồi cả loại do thám không người lái bay tít trên cao. Rồi cả loại F111 cánh có thể xoè ra khi bay và cụp vào khi tránh đạn. Cuối cùng là quân át chủ bài B52 cũng được tung vào làm cú đấm quyết định để hoàn thành lời hứa rất văn chương của thời Tổng thống Mỹ Ních-xơn: "Đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá".

Suốt những năm giặc Mỹ đánh phá, Hải Dương ta cũng như mọi miền đất nước không nơi nào là không có bom đạn của kẻ thù dội xuống. Hai chiếc cầu Phú Lương và Lai Vu là trọng điểm ngày nào máy bay Mỹ cũng đánh. Chúng thường đánh vào buổi trưa. Lúc ấy trời trong trẻo, nhìn mục tiêu rõ hơn. Chúng đánh cả khu bến Hàn, ga Tiền Trung, ga Hải Dương, Nhà máy Sứ... Ở huyện Kinh Môn nơi tôi công tác, máy bay Mỹ đã sáu lần đánh phá kho xăng dầu ở khu núi đá Kính Chủ. Lửa cháy ngút trời, khói đen mù mịt. Dầu chảy lênh láng ao hồ đồng ruộng. Chúng còn đánh cả vào động Kính Chủ làm gẫy cột nhũ đá khổng lồ và nứt vỡ tấm bia khắc bài thơ của Phạm Sư Mạnh. Chúng đánh nhiều lần vào kho lương thực xã Thất Hùng, vào khu lò vôi ở Trại Sơn và An Lưu. Chúng rải bom dọc phố của thị trấn An Lưu thiêu huỷ hàng mấy chục nhà dân. Có gia đình cả nhà không ai sống sót.

Giặc Mỹ đã gieo đau thương đến từng làng quê, phố phường. Hầu như gia đình nào của đất nước ta cũng có máu đổ. Tôi có chú em ruột đi công tác về Yên Viên bị thương bởi bom bi của Mỹ dội xuống. Chị ruột tôi, y tá của trạm xá xã đi phục vụ dân công ở đò Hàn bị giặc Mỹ ném bom giết hại. Cả miền Bắc mất mát, đau thương. Nhưng lạ thay cả miền Bắc không hề nao núng. Bao trùm lên khắp mọi nơi là không khí hào hùng. Những khẩu hiệu "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược"; "Tất cả vì miền Nam ruột thịt"; "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"; "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"... được kẻ ở mọi nơi, trên bảng tin, trên bờ tường, trên mũ và cả trên sườn đồi nữa. Tất cả áo trắng được nhuộm xanh màu lá cây. Hố cá nhân mọc khắp nơi. Nhà máy, xí nghiệp sơ tán vào vùng hang động. Bệnh viện, trường học sơ tán vào nơi hẻo lánh. Trẻ em đến trường đội mũ rơm, cạnh túi đựng sách vở là túi thuốc phòng không. Tối học ở nhà phải che bớt ánh sáng của ngọn đèn dầu. Đi công tác hoặc đi đâu thường đi vào sáng sớm hoặc chiều tối và tránh xa những nơi có cầu cống, nhà máy. Hầu như không mấy tháng là không có giấy báo tử từ chiến trường báo về. Thế nhưng, thanh niên lớn đến đâu là nhập ngũ đến đấy. Những cuộc tiễn tân binh vui như đi hội. Nam giới lên đường ra trận hết. Còn lại ở làng là phụ nữ và lớp người trung tuổi. Phụ nữ làm cả công việc cày bừa. Không khí sẵn sàng chiến đấu bao trùm lên tất cả. Trận địa pháo cao xạ của bộ đội mọc lên ở hai bên đầu cầu Phú Lương, Lai Vu và nhiều nơi để sẵn sàng nhả đạn. Trận địa tên lửa xuất hiện ở những nơi trọng yếu. Các trận địa đều thức. Pháo vươn cao nòng. Tên lửa đã lên bệ phóng. Tất cả đều sẵn sàng chiến đấu.  Các đội trực chiến mà chủ yếu là nữ được thành lập khắp các làng quê, nhà máy, công trường. Súng đạn được phát đến mọi thanh niên. Đi cày, đi cấy đều đeo súng. Khi có kẻng báo động là ngừng tay làm, giương súng lên, rê nòng tìm máy bay Mỹ mà bắn. Những phút được nổ súng vào máy bay Mỹ thật là vui, chả ai biết sợ là gì. Nhất là thấy máy bay giặc bốc cháy thì khắp nơi tiếng reo hò dậy lên như vỡ tan bầu trời. Hằng ngày, mọi người ngóng trông đón đợi xem con số máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc là bao nhiêu. Số giặc lái bị ta bắt sống là bao nhiêu. Con số máy bay Mỹ rơi cứ tăng lên rất nhanh từ con số chục lên trăm rồi một nghìn, hai nghìn... Cùng với con số ấy là tin chiến thắng ở miền Nam từng ngày dội về càng làm cho không khí sôi động.

Những năm tháng chiến tranh ấy, chúng ta còn nghèo lắm. Cơm ăn phải độn sắn, độn khoai mà vẫn không được no. Cán bộ đi họp nộp vực bò gạo (tương đương 225gam) bởi tiêu chuẩn gạo có 13,5 kg/ tháng. Bữa ăn ở hội nghị thường cơm xới ra rá. Mỗi người hai lần xúc, rá còn ấm nóng nhưng cơm đã hết rồi. Bữa ăn nhoáng cái đã xong. Phương tiện đi công tác là cái xe đạp. Bất kể cán bộ tỉnh hay huyện, có chiếc xe đạp là đâu cũng đi. Trăm cây số đạp xe là thường. Khổ thế mà vẫn vui. Con người với con người thực sự yêu thương nhau, vì nhau. Nhà không có cổng. Đêm ngủ vẫn mở cửa. Đi suốt đêm vẫn bình an vô sự... Những năm tháng ấy không chỉ là những năm tháng hào hùng mà còn là những năm tháng đẹp nhất là cái đẹp của tư tưởng, của tình người và những nghĩa cử cao cả.

Có trải qua những năm tháng đạn bom, có hiểu và thấm sâu sắc cái giá phải trả của dân tộc ta cho độc lập, tự do, mới biết quý trọng cuộc sống hôm nay. Những năm tháng hào hùng ấy mãi mãi là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam ta, mãi là động lực thúc đẩy toàn dân vững vàng đi lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
VĂN DUY
 (Báo điện tử Hải Dương)

Không có nhận xét nào:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Bài viết ngẫu nhiên

Music


Truyện cười