Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử - Quê Hương Lai Vu
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Lời hay ý đẹp

Translate

Search

Giá chứng khoán

Mã CK TC Khớp lệnh +/-
Giá KL

Web Informer Button

19/5/11

Văn bia hội nhập giáo dục Pháp-Việt của tiến sĩ Từ Đạm


Thông tin về tiến sĩ Từ Đạm, hiệu Cúc Nhân, quê ở thôn Khê Hồi, xã Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội) chỉ ghi mấy dòng trong sách Các nhà khoa bảng Việt Nam và sách Những ông Nghè, ông Cống triều Nguyễn.
Văn bia Lai Vu tổng Tân học đường ở thôn Thanh Liên, xã Cộng Hòa (Kim Thành)
Từ Đạm sinh năm Nhâm Tuất (1862), đỗ Cử nhân khoa Giáp Ngọ (1894), 34 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi niên hiệu Thành Thái 7 (1895). Ông làm quan đến chức Tổng đốc, từng sung chức di sứ sang Pháp. Tác phẩm có Lãm Tây kỷ lược.

Sách chỉ ghi ông đảm nhiệm chức Tổng đốc. Những thông tin nhân thân, công sức đóng góp cho địa phương, cho đất nước, đều không thấy ghi.

Cuối năm 2010, trong đợt điền dã khảo cứu di sản Hán Nôm về khuyến học, chúng tôi tìm được 2 văn bia ghi về đóng góp của ông cho khuyến học và hội nhập giáo dục Pháp-Việt ở Hải Dương.

1- Văn bia Hải Dương Trí tri hội (Hội Trí tri tỉnh Hải Dương). Văn bia có chiều cao 157 cm, rộng 107 cm, dày 20 cm viết bằng 3 ngôn ngữ: Hán Nôm, chữ Pháp, chữ Việt hiện đại, dựng năm Giáp Tý niên hiệu Khải Định 9 (1924). Văn bia ghi ông là Cố vấn Hội đồng thành phố Hải Dương, Tổng đốc hưu trí. Ông cùng các vị trọng quan đương chức và hưu trí, các nhà hảo tâm trong Hội Trí tri Hải Dương đề xuất chủ trương và vận động góp kinh phí tôn tạo toà nhà Trí tri học đường để tổ chức học tập theo phương pháp mới “mọi người hiểu biết tường tận sự vật do biết nguyên lý của nó” (nguyên văn: Trí tri học sở, vị tiên trí kỳ tri dã). Văn bia hiện trong khuôn viên Trường THCS Ngô Gia Tự, phường Quang Trung TP Hải Dương.

2- Văn bia Lai Vu tổng Tân học đường (tạm dịch: Trường học mới ở tổng Lai Vu) khắc in chữ Hán Nôm 4 mặt. Mặt trước có tên: Lai Vu tổng tân học đường bi (văn bia về tân học đường tổng Lai Vu), ghi bài văn của tiến sĩ Từ Đạm, tên các vị trong hội đồng trị sự. Mặt 2 ghi: Lai Vu tổng sáng lập Pháp-Việt trường hội đồng cẩn tả (Hội đồng sáng lập trường Pháp-Việt cung kính viết chữ). Mặt 3 ghi Thanh Liên Pháp-Việt Trường (trường Pháp - Việt ở xã Thanh Liên), ghi tên, đoàn thể, chức vụ, quê quán của những người đóng góp tiền làm trường. Mặt 4 ghi: Tây lịch nhất thiên cửu bách nhị thập tứ niên, nhị nguyệt, nhị thập cửu nhật lập bi (dựng bia năm Tây lịch, ngày 29-2-1924).

Bia cao 134cm, rộng 80 cm, dày 24 cm. Mặt trước khắc in bài viết của tiến sĩ Từ Đạm và danh sách Hội đồng trị sự. Dòng thứ 12 (tính từ phải sang trái) ghi: Đệ tam giáp Tiến sĩ, Hải Dương tỉnh, tổng đốc Cúc Nhân, Từ Đạm cung soạn (tạm dịch: Đệ tam giáp Tiến sĩ, Tổng đốc tỉnh Hải Dương, Cúc Nhân - Từ Đạm cung kính soạn). Niên đại của văn bia: Ngày 10-6 năm Khải Định 8 (1923). Văn bia đặt tại khuôn viên Trường Mầm non thuộc thôn Thanh Liên, xã Cộng Hoà (Kim Thành).

Bài viết của ông cho biết nay nước ta (quy định) dùng thống nhất một loại chữ viết. Nước Việt và nước Pháp có quan hệ thân thiết. Tiếng nói (âm) khác nhau nhưng giáo dục (học) thì thống nhất. Dốc lòng với Âu hoá thì không thể không biết giáo dục của nước Pháp là cực kỳ có ích cho sự tiến bộ của dân ta. Giữ gìn quốc tuý thì cần phải biết chữ quốc ngữ đến mức đủ để giúp cho nhân sĩ trong nước tiếp nhận, sử dụng chữ Hán phồn thể dễ dàng. Nhân sĩ trong nước cổ động cho việc xây dựng những trường học ở thành thị, ở nơi thôn quê, đó là đạo biến thông, thích nghi cho dân ta.

Tổng Lai Vu của huyện Kim Thành là nơi gần cả TP Hải Dương và Hải Phòng. Làm cho (mọi người) quen tai quen mắt với cái mới, cái biến hóa không phải chuyện của một ngày.
Bậc kỳ hào trong tổng ta, ông Bùi Quang Trưng, nguyên là Khiết tá, tòng cửu phẩm văn giai, người xã Lai Khê; ông Nguyễn Đức Diệu, nguyên chánh tổng, chánh cửu phẩm bá hộ ở xã Thanh Liên, ông Nguyễn Hữu Kiến đương chức chánh tổng, nguyên chánh cửu phẩm văn giai, Bắc kỳ tư vấn nghị viên, người xã Thượng Đỗ và các thiện tín có ý muốn cho con em theo tân học. Các vị thận trọng bàn bạc cho làm trường học (học đường) hàng tổng ở xã Thanh Liên.

Huy động được hơn bốn ngàn nguyên (đồng), làm nền móng nhà theo cách thức mới ban hành (tân ban). Hoàn thành được mọi việc đều do ban trị sự làm việc mẫn cán theo chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Ông Nguyễn Hữu Lục là tri huyện của huyện nhà cũng hết lòng. Ông chọn ngày rồi cùng các bậc kỳ hào và thư ký đến nhờ ta viết bài để khắc vào bia đá, ghi lại công việc, những đóng góp (tiền của cá nhân, đoàn thể) vào văn bia.

Qua ghi chép ở hai văn bia, chúng ta được bổ sung những thông tin quý giá về Tiến sĩ Từ Đạm. Văn bia Hội Trí tri Hải Dương năm 1924 cho biết, ông làm tổng đốc ở Hải Dương, cố vấn hội đồng thành phố và nghỉ chức Tổng đốc. Văn bia Tân học đường tổng Lai Vu xác nhận ông đương chức Tổng đốc tỉnh Hải Dương năm 1923. Như vậy, thời gian làm tổng đốc của Tiến sĩ Từ Đạm kết thúc năm 1923.

Tên, chức vụ của ông được khắc vào văn bia, là một trong những người chỉ đạo việc huy động tái lập Hội Trí tri Hải Dương năm 1924 (Hội Trí tri Hải Dương thành lập năm 1897) bằng nguồn xã hội hoá. Hội Trí tri Hải Dương với mục đích khuyến khích người học theo phương pháp giáo dục tiên tiến được nhiều nước phương Tây áp dụng và học theo nguyên lý khoa học, tìm hiểu bản chất của sự vật, hiện tượng.

Năm 1919, nước ta chấm dứt các kỳ thi đại khoa bằng chữ Hán Nôm. Lúc đó nhiều lớp học ở các làng quê vẫn học chữ Hán Nôm theo phương pháp giáo dục truyền thống. Năm 1923, tỉnh Hải Dương làm được trường tiểu học Pháp - Việt học theo phương pháp giáo dục tiên tiến, hưởng ứng hội nhập giáo dục Pháp - Việt có công đóng góp lớn của tiến sĩ Từ Đạm.

Nhiều người học trường Pháp - Việt Thanh Liên, tổng Lai Vu trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên giỏi, trở thành cán bộ cao cấp. Nguyên Phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành và nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin từng là học sinh trường Thanh Liên.
ĐẶNG VĂN LỘC (Báo điện tử Hải Dương)

Không có nhận xét nào:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Bài viết ngẫu nhiên

Music


Truyện cười