Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử - Quê Hương Lai Vu
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Lời hay ý đẹp

Translate

Search

Giá chứng khoán

Mã CK TC Khớp lệnh +/-
Giá KL

Web Informer Button

17/3/09

Bùi Viện- nhà chiến lược hải quân, nhà kinh bang tế thế

Bùi Viện (1839 - 1878), hiệu Mạnh Dực, quê ở làng Trình Phố, huyện Trực Định phủ Kiến Xương, Nam Định (nay là thôn Trình Nhì, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), trong một gia đình nhà nho.

Xem hình

Cha của ông làm nghề dạy học trong làng (đồ làng). Bùi Viện không phải là một nho sĩ theo nghĩa bình thường, ông là quan văn, đồng thời được coi như một võ tướng. Theo tộc phả, họ Bùi chánh quán ở Thanh Hóa, di cư ra Bắc từ triều Lê đã hai trăm năm, nhưng có lẽ chỉ đến định cư ở Trình Phố, Thái Bình vài đời trước, Bùi Viện là đời thứ tám tính từ khi thiên di. Tỉnh Thái Bình vốn là đất tân bồi, phần lớn là đầm lầy. Dưới thời Minh Mạng, năm 1828, Nguyễn Công Trứ được phong chức dinh điền sứ, đem dân vào khai khẩn lập ra hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải (núi vàng, biển tiền) và hai tổng Hoành Thu và Minh Nhất. Họ Bùi có thể cũng đến định cư ở Tiền Hải từ thời này. Năm 1864 ông đỗ Tú tài, năm 1868 đỗ Cử nhân. Sau hai lần thi hội năm 1868 và 1869 đều bị trượt nhưng ông vẫn kiên trì con đường văn nghiệp. Làm quan dưới triều nhà Nguyễn, Bùi Viện được sử sách ghi là một nhà cải cách, nhà ngoại giao của Việt Nam cuối thế kỷ 19.

Năm 1871 ông giúp Lê Tuấn, Tham tri Bộ Lễ ra Bắc dẹp loạn. Công việc hoàn thành, ông trở về Huế. Bùi Viện được Doãn Khuê, một doanh điền xứ Nam Định, mời ra giúp việc khai hoang, lấn biển. tham gia tiễu trừ các nhóm thổ phỉ Tàu, góp công mở mang bến Ninh Hải (nay là Hải Phòng). Bùi Viện lúc đó được xem như là một nhà kinh bang tế thế trong triều đình Nguyễn. Ông nhớ lại bài sớ viết dang dở trình lên triều đình trước khi từ trần của thầy đồ Vũ Duy Thanh (tức ông Bảng Kim Bồng). Trong bài sớ viết: “Hình thế nước ta chỉ có chiều dài, không có chiều rộng. Trừ hai xứ Nam, Bắc kỳ rộng hơn một chút, còn quãng giữa từ Thanh Hóa trở vào, từ Bình Thuận trở ra, mặt trông ra biển, lưng tựa vào núi rừng, mỗi tỉnh ở một đoạn. Nếu thốt nhiên tỉnh nào gặp biến, bị cắt đường giao thông, việc tiếp tế quân lương tức thì bị ngăn trở. Vả suốt từ Bắc đến Nam chạy dài theo mé biển, phỏng như có nước ngoài dòm nom, thì bất cứ chỗ nào họ cũng có thể lọt vào được. Như vậy, việc phòng giữ mặt biển rất quan trọng. Điều cần là phải kíp luyện tập thủy quân, hậu đãi binh lính và giao quyền hành cho các quan võ để họ có uy tín mà điều khiển...”. Từ bài sớ đó, Bùi Viện đã dâng tờ biểu tâu lên vua Tự Đức, Bùi Viện viết: “...Việc trị an ở ngoài bể, gần đây nước ta tin cậy vào công cuộc hải phòng của một nước ngoài. Nhưng chống chọi với hàng muôn ngàn chiếc thuyền của giặc tầu ô, chúng ta chỉ có vài chiếc tàu thủy, vừa chậm chạp vừa nặng nề. Giữ được chỗ nọ thì hỏng chỗ kia, vài con voi địch với một đàn hổ, thế dù mạnh đến đâu cũng không thể che chở cho xiết được. Và những tàu thủy lòng sâu bảy, tám thước mà thuyền giặc thì lòng chỉ ba, bốn thước là cùng. Nếu gặp tầu thủy đi tuần thì giặc đã có một cách đối phó rất giản dị và có hiệu lực vô cùng là chúng tránh thuyền vào những chỗ bể nông, tầu không sao đến được mà bắn cũng không tới...”

Việc đầu tiên Bùi Viện nghĩ tới là phải thành lập được một đội tuần phòng hải dương bằng hoặc hơn quân giặc bể. Trước kia dọc theo bờ bể nước ta có thiết lập những đội quan phòng, với nhiêm vụ chính yếu là “tiễu giặc ngoài bể”. Thức tế những đội quan phòng này chỉ làm nhiệm vụ báo động theo kiểu mỗi khi dân làng gặp cướp hay thú dữ thì đem nồi đồng mâm thau ra gõ để thông tin đồng thời dọa nạt kẻ địch. Phương pháp đó đã kém hữu hiệu lại thụ động, chỉ khi nào bọn cướp đã bỏ đi lúc đó mới chạy ra tiếp ứng. Bùi Viện nhận xét rất đúng: Thực ra từ khi đặt ra đến giờ, những đội quan phòng ở các đồn duyên hà không có ích gì cho nhà nước cả. Vì chức trách của họ là phải phòng ngừa giặc bể, mà giặc bể thì chỉ hoành hành ở ngoài khơi. Dù họ có biết đích là ngoài bể có giặc nữa cũng chỉ đến dương mắt mà nhìn, chứ không có cách gì xoay trở …

Do đó, ông quan niệm đánh giặc phải đánh ngay từ ngoài bể, biến những đội Tuần Dương (theo nghĩa đi tuần) thành thủy quân chiến đấu, giảm thiểu trách nhiệm cho các đội quan phòng bằng cách giải ngũ những thành phần yếu đuối, già nua và chỉ giao cho họ nhiệm vụ tổ chức những hải cảng và “hỏi giấy thông hành những người ngoại quốc hoặc bản xứ qua lại các thương cảng”.

Ông có công lớn trong việc đề xuất về việc tăng cường phòng vệ vùng biển xây dựng cảng Hải Phòng, lập ra Tuần dương quân (lực lượng hải quân thường trực) gồm 200 chiến thuyền và 2.000 quân thủy thiện chiến và lập ra hệ thống thương điếm ở khắp các tỉnh ven biển. Bùi Viện được giao cho chức Tuần Tải Nha Chánh Quản Đốc kiêm Tham Biện Thương Chính. Lập túc ông cùng với Phó Quản Đốc Đặng Văn Ứng (võ cử xuất thân) tuyển mộ binh lính và chia thành hai loại:

- Thủy Dũng: Là binh lính người Việt tuyển mộ từ các dân chài dọc theo duyên hải có những điều kiện “trí dũng, đức hạnh, bơi lội giỏi, thuộc đường bể, biết trước những lúc có thể xẩy ra mưa gió, thông các phép tính” (điều 1 chiêu mộ)

- Thanh Đoàn: Là những người Tàu, kể cả giặc bể được chiêu mộ làm lính trong Tuần Dương Quân, do chính người Tàu chỉ huy.

Việc thành lập Tuần Dương Quân được Bùi công soạn thành điều lệ, bao gồm lời nói đầu và 20 điều khoản, trong đó có định ra chế độ lương bổng và cấp bậc, phụ cấp, binh phục, trợ cấp gia binh, các chế độ khen thưởng, xử phạt. Có thể nói kỷ luật mà Bùi Viện đưa ra là kỷ luật thép áp dụng trong thời chiến. Điều đó cũng không lấy làm lạ vì kỷ luật là sức mạnh của đoàn quân, chưa nói những kẻ ông chiêu mộ đều là thành phần rất táo tợn, vừa phải lấy lợi mà dụ, vừa phải lấy uy mà trừng trị. Ông đưa ra những trách nhiệm liên đới giữa binh sĩ và người chiêu mộ, vừa chịu tội, vừa phải bồi thường công quĩ. Ông lại áp dụng những hình phạt khắt khe chúng ta thường thấy trong sử sách những giai đoạn cần phải củng cố lại uy quyền của người làm tướng, chẳng hạn như “Nếu binh sĩ nào gặp trời mưa mà lấy nón của dân để đội thì lập tức bị chém đầu để thị chúng”.

Một điều chúng ta cũng nhận ra là Bùi Viện không trị binh theo lối nhân nghĩa của nhà nho mà theo kiểu giang hồ nghĩa sĩ – nghĩa là ông áp dụng chính những qui luật có sẵn của bọn hải khấu. Hải khấu ở biển đông thường là hội viên của một số bang hội, giáo phái, có những nghĩa khí riêng của tổ chức nhưng đồng thời cũng rất tàn nhẫn với kẻ phản bội hay không hết lòng. Có lẽ Bùi Viện đã nghiên cứu khá sâu rộng về những tổ chức này và nắm vững được những qui luật của họ nên đã đưa ra những biện pháp tưởng thưởng và trừng phạt khác thường.

Kêu gọi tính anh hùng hảo hán, lòng trọng lợi, cùng kỷ luật nghiêm minh đã khiến đám giặc bể có cảm tưởng ông là một thủ lãnh kiệt hiệt gần gũi với họ hơn là một văn quan thư sinh. Hết lòng với anh em, chia vui xẻ buồn, đụng trận xông ra trước, ông đã áp dụng đúng mức đạo làm tướng mà cổ nhân thường đề cao. Cũng nên thêm rằng, trước đây các quốc gia Đông Á chưa có trường huấn luyện tướng soái mà chỉ bổ nhiệm theo nhận xét riêng của vua quan, vốn thường là văn nhân chuyển sang võ nghiệp rồi tự mình tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm.

Trước đây, việc một văn quan bị chỉ định cầm quân thường là một cách trừng phạt chứ không phải là thăng thưởng nên ai nấy đều lo sợ và bối rối. Trái lại Bùi Viện trông chờ một dịp để thi thố tài năng và điều đó cũng là một chí hướng khác thường so với những nhà nho khác.

Xét về bảo đảm chế độ lương bổng đối với quân binh, có thể nói Bùi Viện đã đưa ra một qui chế rất hậu hỹ để chiêu dụ nhân tài. Đời Minh Mạng, nhà vua cũng đã đặt ra tiền “dưỡng liêm” để ngăn ngừa tham quan ô lại. Khi tổ chức Tuần Dương Quân, Bùi Viện đã ấn định không những lương bổng cho người lính mà còn nghĩ đến trợ cấp gia đình và nhất là cả tiền tử tuất rất hậu cho thân nhân người quá cố nếu chết trong khi giao tranh. Điều đó chứng tỏ ông quan tâm đến những nỗi lo của binh sĩ dưới quyền và hiểu rằng muốn họ yên tâm và hết lòng trong công tác, phải cho họ được thoải mái không phải lo đến cơm áo cho vợ con ở nhà.

Bùi Viện đề nghị lập một thủy đội hỗn hợp bao gồm dân chài (700/1000) và hải tặc chiêu hồi (300/1000) có địa bàn hoạt động toàn quốc nghĩa là thống nhất chỉ huy, địa phương tiếp ứng, có thể tập turng lực lượng để hành quân những trận lớn đối phó với giặc mà không để bị rơi vào thế thụ động như trước. Ông cũng đề nghị chia thành hai loại căn cứ tiếp liệu, gồm các đồn lớn ở hải cảng là căn cứ của đội tuần dương và các đồn nhỏ ở những nơi hiểm yếu là nơi liên lạc và hỗ trợ.

Một trong những quan điểm sáng suốt mà có lẽ sau những lần ra nước ngoài ông đã học hỏi được của các nước Tây Phương là phải tuyển chọn và tổ chức binh sĩ cho tinh nhuệ. Trước đây quan ta vẫn chỉ cốt tuyển lính cho đủ số, bổ đồng cho mỗi làng nên người được chọn thường là dân quê nghèo khổ bị bắt đi chẳng khác gì đi đày, khả năng đã kém cỏi mà tinh thần lại càng suy sụp. Bùi Viện đề nghị chỉ tuyển lính trong các làng dân chài là những người có kinh nghiệm và quen với sóng gió, cộng thêm với chính bọn giặc bể được chiêu dụ về cộng tác với triều đình, trọng về phẩm chứ không trọng về lượng, lại cho họ lương bổng đầy đủ.

Quan tâm đến chính sách đối với quan binh, Bùi Viện đã đưa ra những tiêu chuẩn tuyển mộ rõ rệt và tưởng thưởng những ai tìm được người để tuyển mộ vào thủy binh. Người nào tuyển mộ được 5 đến 10 thủy binh thì được phong đội trưởng, tuyển mộ được 50 thủy binh được phong tòng thất phẩm, tuyển mộ được 100 thủy binh được phong chánh ngũ phẩm, tuyển mộ được 300 thủy binh được phong chánh tứ phẩm...

Ông cũng đưa ra những tiêu chuẩn nhất định để tuyển mộ, mặc dù còn đại cương nhưng đã có những nguyên tắc rõ rệt để chia ra thượng hạng, trung hạng và hạ hạng. Điều chính yếu đây là những người tình nguyện chứ không phải bị cưỡng bách và chính vì thế không phải bất cứ ai cũng có thể gia nhập Tuần Dương Quân mà phải hội đủ một số điều kiện nhất định. Ngoài ra những người đó còn phải có lý lịch tốt, được thân thuộc và lý dịch bảo đảm.

Thủy quân của Bùi Viện tuy còn non trẻ nhưng đã sớm lập được một số chiến công. Tháng tư năm 1878, quân ta giao chiến với giặc Tầu Ô ở Hà Tĩnh, dùng hỏa công đốt tàu địch khiến chúng phải chạy trốn, tịch thu một chiến thuyền cùng lương thực đạn dược và bắt được 18 tên cướp. Đến tháng 5 năm đó, quân ta lại giao tranh với địch ở vùng biển Thanh Hóa trong khi hải phỉ đang cướp một tàu buôn. Quân ta truy kích địch đến tận đảo Hải Nam (Trung Quốc), tịch thu một chiến thuyền và đạn dược, khí giới. Nhờ hai chiến công đó, dân chúng cảm thấy tự tin hơn nên các thương cảng trở nên sầm uất, tàu thuyền ra vào buôn bán ngày một nhiều. Một thời gian sau, các chi điếm cũng được mở tại Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam. Trên bộ, Bùi Viện cho xây lại những pháo đài, bố trí súng đại bác để canh phòng mặt biển. Dựa theo những điều khoản của hòa ước Giáp Tuất (1874), ta phải bằng lòng mở cửa các thương cảng Qui Nhơn, Hải Phòng, ông đã tiến xa hơn một bước mở các chi điếm ở Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam. Ngoài ra ông cũng muốn biến Thuận An thành một trung tâm thương mại để làm tăng thêm cái uy nghi của đất kinh đô nên tổ chức một Chiêu Thương Cục, vừa là đại bản doanh cho Tuần Dương Quân, vừa là nơi giao lưu hàng hóa có tính quốc tế mở đầu cho việc thu nhập văn minh trực tiếp vào đất đế đô...

Từ giữa thế kỷ 19 đất nước ta lâm vào một tình thế nghiêm trọng : 1858 liên quân Pháp-Tây Ban Nha đánh chiếm bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng ; 1859 thành Gia Định bị chiếm, 1861 lần lượt mất Định Tường, Côn Lôn, Biên Hòa. Với Hòa ước 1862, triều đình Huế phải nhượng đứt cho Pháp ba tỉnh miền Đông. Đến tháng 6-1867, nước ta bị mất toàn bộ 6 tỉnh Nam kỳ vào tay thực dân Pháp. Trước tình hình đen tối ấy, nhiều danh sĩ cấp tiến, giàu lòng yêu nước, có óc thực tế, muốn sử dụng tri thức của mình vào công cuộc cách tân để cứu đất nước ra khỏi nguy cơ bị xâm lược. Đó là những Hoàng Phan Thái, Nguyễn Tư Giản, Đặng Đức Thuận, Đinh Văn Điền, Nguyễn Lộ Trạch và xuất sắc nhất là Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) và Bùi Viện (1839-1878). Là nhà ngoại giao năng nổ, Bùi Viện được vua Tự Đức cử sang Hoa Kỳ đề nghị đặt quan hệ chính thức và được viện trợ chống thực dân Pháp. Năm 1873, trước khi vua Tự Đức buộc phải ký Hiệp ước Giáp Tuất (15 tháng 3 năm 1874) nhượng bộ nhiều yêu sách của thực dân Pháp và nguy cơ mất cả nước đã nhỡn tiền, triều đình đã chủ trương tìm kiếm những đối trọng khác ở nước ngoài để chấn hưng đất nước và cứu vãn họa xâm lăng của thực dân Pháp. Bùi Viện đã lãnh nhận sứ mạng sang Mỹ do sự tiến cử của một viên đại thần trong triều với vua Tự Đức.

Từ cửa biển Thuận An ở kinh đô Huế, Bùi Viện xuống thuyền ngược ra Bắc vào tháng 7 năm Quý Dậu (tháng 8 năm 1873) và 2 tháng sau thì đến Hương Cảng lúc đó đã là nhượng địa của nước Anh và là đầu mối giao thông nối châu Á với thế giới phương Tây. Tại đây Bùi Viện đã kết giao được với viên lãnh sự Hoa Kỳ lai Tàu nên 2 bên giao thiệp được. Biết ý đồ của Bùi Viện, viên lãnh sự đã viết thư giới thiệu với một nguời ở Hoa Kỳ có khả năng giúp ông tiếp cận với nguyên thủ của quốc gia này.

Bùi Viện sau đó đã đi qua Yokohama (Nhật Bản), vượt trùng dương đến Niu-Yoóc rồi đến Wasing-tơn (1874). Bùi Viện tạm trú tại Wasing-tơn gần một năm vận động mới gặp được Tổng thống Ulysses Simpson Grant (nhiệm kỳ 1868-1876). Lúc này Pháp và Mỹ đang đụng nhau trong trận chiến ở Mexico nên Mỹ cũng tỏ ý muốn giúp một quốc gia đang bị Pháp uy hiếp. Nhưng Bùi Viện không mang theo quốc thư nên 2 bên không thể có một cam kết chính thức. Vì vậy, ông lại quay về Việt Nam trở lại kinh thành Huế. Năm sau (1875), Tự Đức ban cho Bùi Viện chức khâm sai đại thần, cầm đầu đoàn sứ giả mang quốc thư trở lại Hoa Kỳ. Nhưng thật không may, tình hình thế giới đã biến chuyển bất lợi cho Đại Nam, Hoa Kỳ đã thay đổi chính sách nên tuy tổng thống Grant vẫn niềm nở tiếp sứ bộ của ta, nhưng nêu đủ lý do để từ chối viện trợ cho Đại Nam chống Pháp. Bùi Viện tay không trở về nước. Đến Đà Nẵng mới hay tin mẹ mất, Bùi Viện ra Huế tâu vua về chuyến công du bất thành và xin về thọ tang mẹ. Ba tháng sau Bùi Viện lại được triệu về kinh đô giữ chức Thương chánh tham biện rồi chuyển sang chức Chánh quản đốc nha Tuần hải. Chẳng bao lâu Bùi Viện mất đột ngột, hưởng dương 40 tuổi, để lại một sự nghiệp bộn bề mà dang dở, ghi dấu một cột mốc trong lịch sử bang giao Việt-Mỹ thời cận đại.

Lúc bấy giờ, Bùi Viện thuộc phái cấp tiến theo hướng mạnh dạn cải cách, hợp cùng Nguyễn Trường Tộ, Hoàng Phan Thái, Nguyễn Tư Giản, Đặng Đức Thuận... lập ra Tân Đảng với chủ trương cách tân đất nước về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật. Hành trạng cũng như tư tưởng của Bùi Viện thường được ví và xếp chung vào lớp sĩ phu có tư tưởng canh tân như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ। Đúng như lời phê của vua Tự Đức: “Trẫm đối với ngươi chưa có ân nghĩa gì, mà ngươi đã coi việc nước như việc nhà, không quản xa xôi lo lắng, quỉ thần ắt cũng chứng cho…" (sưu tầm từ Internet)

Không có nhận xét nào:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Bài viết ngẫu nhiên

Music


Truyện cười