Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử - Quê Hương Lai Vu
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Lời hay ý đẹp

Translate

Search

Giá chứng khoán

Mã CK TC Khớp lệnh +/-
Giá KL

Web Informer Button

18/6/11

Hải Dương: “Chia lửa ” cùng mặt trận Điện Biên Phủ

Cách đây 57 năm với "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn..." dân tộc ta đã làm nên một chiến tích thần kỳ - chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954 đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử của Cách mạng dân tộc, là chiến thắng của trí tuệ Việt Nam. Trong chiến thắng "thần kỳ" ấy có sự tham gia đóng góp của quân và dân tỉnh Hải Dương.
Cầu Lai Vu, huyện Kim Thành - Nơi từng diễn ra nhiều trận đánh lịch sử. Ảnh Nguyễn Trọng
Trải qua 8 năm thực dân Pháp thực hiện cuộc chiến tranh phi nghĩa lần thứ hai ở Việt Nam (1945-1953), chúng đã bị thất bại nặng nề. Để cứu vãn tình thế, thu – đông năm 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã triển khai Kế hoạch Nava tăng cường binh lực và phương tiện chiến tranh, mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam, giành lại thế chủ động trên chiến trường, làm cơ sở cho một giải pháp chính trị hòng tiếp tục sự chiếm đóng lâu dài. Khi phát hiện hướng tiến công chiến lược của ta vào Tây Bắc, Lai Châu và Thượng Lào, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành căn cứ quân sự kiên cố. Tháng 11-1953, Nava bắt đầu cho xây dựng Điện Biên Phủ thành một cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ, như "một pháo đài không thể công phá", là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta và là quyết chiến điểm của Kế hoạch Nava.
Trước âm mưu của thực dân Pháp, tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn và quyết định mở cuộc tiến công chiến lược đông- xuân với phương châm: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, chọn nơi sơ hở và nơi xung yếu của địch mà đánh, đẩy mạnh chiến tranh du kích, giữ vững thế chủ động, buộc địch phải phân tán lực lượng.
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng uỷ mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ chiến dịch. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng". Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị cho Liên khu 3 "Tích cực đánh nhỏ, ăn chắc, chủ yếu là đường 5 và đường sắt".
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh, từ tháng 12/1953 đến tháng 2/1954 dưới sự chỉ đạo của Liên Khu uỷ 3 và Tỉnh uỷ Hải Dương, quân dân tỉnh Hải Dương chia lửa cùng Điện Biên Phủ, đã chủ động tấn công tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch mọi lúc, mọi nơi, lập nên những chiến công vang dội, như các trận: Phương Điếm (Gia Lộc) vào ngày 4-12-1953, tiếp theo là bốt Địch Vạn (Cẩm Giàng), Thọ Chương (Thanh Miện), Đại Lộ (Tứ Kỳ), Vĩnh Hạ (Thanh Hà), đánh giao thông giành thắng lợi lớn, lật đổ một đoàn tàu địch, diệt 1.017 tên địch ở ga Phạm Xá (Kim Thành) ngày 31-1-1954...
Ngày 13 tháng 3 năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức mở màn đợt 1. Trước đó, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Liên Khu 3 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 42 và Tỉnh đội Hải Dương nhiệm vụ mới: "mở đợt tổng công kích đường sắt, đường 5, bắt đầu từ đêm 11 tháng 3 đến hết tháng 5 năm 1954 để thiết thực phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ".
Chấp hành chủ trương của Bộ Chính trị, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Liên khu 3, Tỉnh uỷ Hải Dương ra chỉ thị "Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ tích cực tiêu diệt địch, phá hoại đường 5, đường sắt, bao vậy các vị trí địch, đẩy mạnh chống càn nhằm thu hút, kìm chân địch lại ở từng nơi, từng chỗ không cho địch vận chuyển, tiếp tế...".. Được lệnh của Liên khu uỷ và Tỉnh uỷ Hải Dương, ngay từ đêm ngày 11 rạng ngày 12-3-1954, Trung đoàn 42 của Quân khu, Tiểu đoàn 234 (Tiểu đoàn Quốc Tuấn) mở đợt tổng công kích đường sắt, đường 5 đã diễn ra từ Kim Thành đến Cẩm Giàng. Kết quả của đợt hoạt động này, ta đã diệt và bức hàng 72 vị trí dọc đường 5, mở ra một khu du kích rộng lớn giữa lòng địch, việc tổ chức đánh mìn, chông, phát triển sâu rộng vào khu vực đường sắt, đường 5. Thời gian này, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) có tới 400 bàn chông.
Đợt 1 chiến dịch tổng công kích đường 5, đường sắt ta đã phá 11 vị trí địch, diệt 90 tên, 36 tên bị bắt, 7 tên bị thương, phá 30 xe cơ giới, đánh đổ 1 đoàn tàu, thu 3 súng đại liên, 1 súng cối, 7 trung liên, 19 tiều liên, 1 BaZoka, 142 súng trường, nhiều đạn dược, phá hỏng 11 km đường sắt, đường bộ. Ta đã huy động hơn 25.000 dân công để phá giao thông của địch (đợt 1 đã phá 1 cống, 5 cột điện, cắt 20.000 m dây điện, đào đắp nhiều hố và ụ đất trên đường cản trở giao thông của địch...)
Báo Cứu Quốc - cơ quan trung ương của Mặt trận Liên việt ra ngày 31 tháng 3 năm 1954 đánh giá: "Trận đánh đường số 5 đã đánh mạnh vào phòng tuyến kiên cố của địch, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá vỡ hệ thống tháp canh, diệt bọn phản động và địa phương quân. Nó nêu rõ tinh thần bất khuất của đồng bào vùng sau lưng địch và chứng tỏ sự thất bại của địch trong âm mưu "bình định" ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trận đánh trên đường số 5 của quân, dân Hải Dương đã làm gián đoạn việc vận chuyển tiếp tế của địch trên đường giao thông chiến lược của địch ở Bắc Bộ, buộc chúng phân tán binh lực lượng, tạo điều kiện cho quân ta ở Điện Biên Phủ cũng như ở các mặt trận khác có điều kiện thời cơ tiêu diệt sinh lực địch". Báo cũng nhấn mạnh: "Trận đánh đường số 5 (11-3-1954)- một tiến bộ mới của quân và dân tả ngạn sông Hồng".
Từ ngày 30-3-1954,khi chiến dịch Điện Biên Phủ tiến hành tổng công kích đợt 2, trên địa bàn các huyện phía Bắc Hải Dương, lực lượng quân sự tỉnh Hải Dương mở đợt hoạt động mới phối hợp với Điện Biên Phủ. Ngày 15-3-1954, Đại đội 923 đánh địch tại vị trí Chùa Hang (Kinh Môn) diệt 35 tên, ngày 6-4-1954, đoàn tàu địch đi vào đúng trận địa mìn của Đội S20, trận đánh đạt kết quả cao, đánh đổ 01 đoàn tàu, phá huỷ 14 toa, diệt nhiều địch, làm tắc nghẽn đường sắt trong 3 ngày; ngày 10-4-1954, Bộ đội huyện Chí Linh và du kích Đồng Lạc dùng áp lực, buộc đồn Bến Bình phải đầu hàng. Ngày 16-4-1954, Trung đoàn 42 và Đại đội Cẩm Giàng phục kích trên đường 5 đoạn Quý Dương-Phú Xá-Ngũ Lộc, diệt và bắt gần hết 1 địa đội Âu-Phi (bắt sống 35 tên). Cùng thời gian đó, trên đường 191, thuộc địa phận Tứ Kỳ, bộ đội tỉnh đánh thiệt hại nặng một đại đội kinh quân của địch, diệt 12 tên, làm bị thương 25 tên, bắt sống 3 tên, thu 4 tiểu liên, 12 súng trường...
Khi chiến dịch Điện Biên Phủ tổng công kích đợt 3 từ ngày 01-5-1954 thì hoạt động của quân dân tỉnh Hải Dương được dấy lên mạnh mẽ hơn. Ngay trong đêm 01-5, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích của các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Kim Thành, Nam Sách và tự vệ thị xã Hải Dương đã đồng loạt tấn công địch ở Chùa Tranh (Đồng Tâm, Ninh Giang), Quý Cao (Nguyên Giáp, Tứ Kỳ), Phạm Xá (Kim Thành), cầu Phú Lương (thị xã Hải Dương )...Trên tuyến đường sắt và đường 5, trong tháng 5, Đội S20 và quân-dân 2 huyện Kim Thành, Cẩm Giàng đã 9 lần đánh phá tàu địch, 20 lần đánh xe trên đường 5, phá huỷ 5 đầu máy, 32 toa xe (trong đó có 5 xe tăng)...Những đợt hoạt động của quân và dân Hải Dương thực sự "giam chân" được một lực lượng cơ động quan trọng của địch; thực hiện xuất sắc việc phối hợp với quân và dân ta chiến đấu trên mặt trận Điện Biên Phủ.
Ngày 7-5-1954, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ-một "pháo đài khổng lồ không thể công phá" của quân đội thực dân Pháp, đã bị tiêu diệt. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã tung bay trên nóc hầm chỉ huy địch. Đó là thắng lợi chung của các chiến trường trên toàn quốc đã phối hợp chặt chẽ, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Trong đó là đóng góp không nhỏ của quân và dân Hải Dương với những chiến công vang dội đường 5, đường sắt...quân và dân Hải Dương "chia lửa" với mặt trận Điện Biên Phủ làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "vang dội năm châu, chấn động địa cầu".
Thất bại của pháp buộc chúng phải ký Hiệp địch Giơnevơ (21-7-1954) về Đông Dương. Theo tinh thần Hiệp định, Hội nghị Trung Giã đã quy định khu vực tập kết của quân Pháp trước khi về nước. Tại Hải Dương Pháp có khu vực tập kết 100 ngày ở Ninh Giang, thị trấn Cẩm Giàng, Kẻ Sặt, thị trấn Phả lại, thị xã Hải Dương và 300 ngày ở một số nơi thuộc địa bàn 2 huyện Kim Thành và Kinh Môn
Ngày 30-10-1954, thị xã Hải Dương được hoàn toàn giải phóng, sau hơn 9 năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, biểu dương sức mạnh và niềm tin của quân và dân trong tỉnh - những người làm nên "Tiếng sấm đường 5" đi vào lịch sử dân tộc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là niềm tự hào của quân và dân Hải Dương, là truyền thống vẻ vang để quân và dân Hải Dương viết tiếp vào trang sử dân tộc.

Nguyễn Thị Thuận
Bài đăng trên Tạp chí số 2/2011

Không có nhận xét nào:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Bài viết ngẫu nhiên

Music


Truyện cười