Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử - Quê Hương Lai Vu
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Lời hay ý đẹp

Translate

Search

Giá chứng khoán

Mã CK TC Khớp lệnh +/-
Giá KL

Web Informer Button

5/12/13

Tổ chức bảo vệ thi công Khu công nghiệp Lai Vu

Lực lượng thi công đang tiến hành xây dựng tường rào.

Sáng 4.12, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức lực lượng để bảo vệ thi công cho 2 dự án: Dệt Pacific Crystal tại Việt Nam và May Tinh Lợi mở rộng, nằm trong KCN Lai Vu (tỉnh Hải Dương) sau nhiều lần bị người dân ngăn cản. Trong buổi sáng, một số hộ dân tại xã Lai Vu (Kim Thành) kéo ra khu dự án phản ứng; tuy nhiên đến cuối giờ chiều, việc thi công diễn ra an toàn, trật tự.
Dự án kéo dài gần chục năm

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương, tháng 1.2004, UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định 116 về việc thu hồi 212,89ha của 1.154 hộ dân ở xã Lai Vu (huyện Kim Thành) cho Ban quản lý dự án Cụm công nghiệp Hải Dương, thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Theo đơn giá bồi thường đất nông nghiệp năm 2004, cộng với chính sách hỗ trợ của tỉnh Hải Dương, số tiền bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp là 36.850 đồng/m2 đối với đất nông nghiệp hạng 1 và 34.350 đồng/m2 đối với đất hạng 2.

Tổng số tiền Vinashin phải chi trả cho 1.154 hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng là gần 78,4 tỉ đồng. Trong đó, đã chi trả cho 838 hộ dân (chiếm 72,61%), còn 316 hộ chưa nhận tiền bồi thường (chiếm 27,39%).

Theo UBND tỉnh Hải Dương, do suy thoái kinh tế, Vinashin không đủ năng lực đầu tư; hiện mới có 11 dự án đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào khu công nghiệp này, trong đó có 9 dự án đã xây dựng nhà máy - chủ yếu của các Cty con của Vinashin. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các nhà máy đã dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng suốt từ năm 2008 đến nay.

Năm 2010, dự án KCN Lai Vu được chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quản lý. Lý do chính khiến KCN này bị biến thành bãi đất hoang vu, “đắp chiếu” từ nhiều năm nay là do còn 316 hộ dân chưa nhận tiền đền bù, không chịu bàn giao mặt bằng, khiếu kiện kéo dài, cản trở thi công.

Ông Phạm Sỹ Thảo - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương - cho biết, trong ngày 4.12, lực lượng thi công đã tổ chức xây dựng tường rào của 2 đơn vị thuộc dự án Dệt Pacific Crystal Việt Nam (tổng mức đầu tư khoảng 8.882 tỉ đồng, trên diện tích 35ha), dự án Dệt Tinh Lợi (khoảng 2.340 tỉ đồng, trên tổng diện tích 35ha ở hai giai đoạn). Trước đây, các Cty này nhiều lần tiến hành thi công nhưng đều bị hàng trăm hộ dân phản đối, nên không thực hiện được.

Cần sự đồng thuận

Ông Bùi Khắc Đờn (73 tuổi, trú tại thôn Hợp Nhất, xã Lai Vu, huyện Kim Thành, Hải Dương) - là một trong số hơn 300 hộ dân chưa chịu nhận tiền bồi thường - cho biết lý do: Quá trình thu hồi đất không đúng trình tự; Quyết định 116/QĐ-UBND ngày 12.1.2004 của tỉnh Hải Dương là “về việc cho Ban quản lý dự án Cụm công nghiệp tàu thủy Hải Dương thuê đất” chứ không phải quyết định thu hồi đất.

Huyện Kim Thành không có quyết định thu hồi đất, nhưng thành lập hội đồng đền bù; thu hồi đất của các hộ không có quyết định thu hồi đến từng hộ. Xã Lai Vu vi phạm quy chế dân chủ khi không thông báo việc triển khai dự án đến rộng rãi nhân dân.

Về những kiến nghị trên của người dân, ngày 1.6.2006, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo, trong đó khẳng định việc thu hồi 212ha đất của tỉnh Hải Dương là không vi phạm quy định do việc thu hồi, kiểm kê đền bù hoàn thành trước khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành.

Về kiến nghị của dân cho rằng UBND tỉnh không có quyết định thu hồi đất nhưng vẫn cho thuê, Thanh tra Chính phủ khẳng định, Quyết định 116 của tỉnh Hải Dương dù chỉ có cụm từ “cho thuê” mà không có cụm từ “thu hồi”, nhưng bản chất quyết định này là quyết định thu hồi và cho thuê, sai sót trên chỉ mang tính chất kỹ thuật văn bản.

Việc huyện Kim Thành ra quyết định thành lập Hội đồng đền bù GPMB trước khi UBND tỉnh có Quyết định 116 là đúng quy định.

Thông báo của Thanh tra Chính phủ cũng kết luận, bên cạnh những mặt tích cực trong việc triển khai dự án, UBND tỉnh Hải Dương, huyện Kim Thành, xã Lai Vu và các sở, ban ngành liên quan đã có những sai phạm trong quá trình triển khai, việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện có biểu hiện nóng vội, chủ quan, thiếu công khai và chưa chặt chẽ...

Còn trong báo cáo của UBND tỉnh, do PCT UBND Nguyễn Dương Thái ký ngày 3.12.2013 cho biết: Sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận, tỉnh đã ra quyết định thành lập Đoàn công tác Lai Vu. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã tiến hành chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.

Trước tình hình khiếu kiện phức tạp mới của một bộ phận nhân dân xã Lai Vu, từ tháng 9.2011 đến nay, tỉnh đã chủ trì nhiều cuộc họp để bàn biện pháp giải quyết nhằm ổn định tình hình. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí, việc quy hoạch 50ha đất ở xã Cộng Hòa cho dân Lai Vu canh tác nhưng người dân không đồng ý, mà vẫn vào KCN canh tác với lý do “chưa nhận tiền đền bù, giấy CNQSD đất dân đang giữ, vậy đất là của dân nên có quyền canh tác”.

Theo UBND tỉnh Hải Dương, nếu hai dự án trên không triển khai được, cơ hội bị bỏ qua thì KCN Lai Vu sẽ tiếp tục gặp khó khăn, hạ tầng xuống cấp, nguồn lực bị lãng phí nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến giải quyết, khắc phục những khó khăn về kinh tế-xã hội của địa phương.

Vẫn biết công tác giải phóng mặt bằng rất phức tạp ở nhiều địa phương, tuy nhiên, chính quyền và người dân cần đặt lợi ích chung, lợi ích phát triển KT-XH của địa phương lên trên hết, tìm được tiếng nói chung, đồng thuận thì vụ việc mới sớm được giải quyết ổn thoả.
Hoàng Hoan (Báo Lao Động)

Không có nhận xét nào:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Bài viết ngẫu nhiên

Music


Truyện cười