Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử - Quê Hương Lai Vu
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Lời hay ý đẹp

Translate

Search

Giá chứng khoán

Mã CK TC Khớp lệnh +/-
Giá KL

Web Informer Button

31/10/08

Sứ Hải Dương

Những chiếc bát chiết yêu ngày xưa giờ đã bay đến xứ sở Mặt trời mọc (Nhật Bản) và hiện diện đường hoàng trong các sảnh, trên các bàn yến tiệc, ở nhiều quốc gia trên thế giới Cùng với các ấm, tách trà, lọ hoa "có một không hai"-bởi làm từng chiếc một, bằng tay, theo đơn đặt hàng-đã "giúp" Sứ Hải Dương thực sự chuyển mình, vững bước vào thị trường sứ đương đại.

Luyện, và làm duyên cho... đất

Anh Thái Văn Hải nghiêng nghiêng đầu, gõ nhẹ hai tách trà vào nhau rồi khẽ nheo mắt hỏi tôi: "Anh có nghe thấy tiếng sứ chạm nhau trong veo như tiếng thủy tinh không?". Anh thích thú làm lại và giải thích: “Nghe trong xương của lớp men tiếng vang của đất, kết quả của quá trình luyện cốt sứ đấy”. Giám đốc Công ty Sứ Hải Dương (chi nhánh phía Nam) hứng khởi kể về lịch sử của con-đường-gốm đi vào từng gia đình của người Việt Nam, cũng như bằng “con đường tơ lụa trên biển", sản phẩm của những Trung tâm sản xuất gốm nổi tiếng ở Hải Dương như Chu Đậu, Mỹ Xá, Làng Ngói, Hợp Lễ… đã đến với quốc tế cho đến cuối thời Lê. Tháng 6-2002 mới đây, một hệ thống dây chuyền công nghệ tiên tiến nhập từ châu Âu về để luyện... đất đã rộn ràng ngày, đêm, nâng công suất của công ty lên gấp đôi–6.000 tấn sản phẩm/năm.

Hòa nhập với nhịp thở công nghệ, thiết bị hiện đại nhưng gốm-sứ Hải Dương vẫn nguyên cốt cách truyền thống trong từng kiểu dáng, hoa văn trang trí, màu sắc men... Để làm được điều này, quả là chẳng đơn giản chút nào. Bởi tất cả là từ đất, bằng đất, nhưng để đạt đến luyện tinh cốt sứ hoàn hảo thì, bên cạnh kỹ thuật hiện đại còn là tài hoa, năng khiếu, sự nhạy cảm "trời cho" của riêng mỗi người, mỗi nghệ nhân trong dây chuyền sáng tác và sản xuất. Kế đến là độ bền và giá. Trước mắt tôi là những sản phẩm với kiểu dáng chiếc bát chiết yêu ngày xưa, dáng thanh mảnh, phủ lớp men ngọc (Celadon)–là sự phối hợp giữa truyền thống in, khắc, đắp nổi của gốm không men và men màu; tạo độ men dày, mỏng, màu men đậm, nhạt; có khi men “bị” đọng giọt, tạo hiệu quả “ngấn lệ”, phát triển mạnh mẽ và nổi tiếng thời Lý–Trần. Cùng với sự hấp dẫn về ngoại hình là độ bền của men, của sứ; và giá thành thấp hơn một "mức" so với hàng sứ cùng loại. "Bền và rẻ bởi công ty dám mạnh dạn đầu tư vốn nhập, lắp đặt công nghệ sản xuất hoàn thiện và hiện đại của Đức và Ý, hai “đại gia” trong làng gốm sứ phương Tây", kỹ sư Hải bộc bạch với chúng tôi.

Thực vậy, khách tiêu dùng sành hàng sứ cao cấp ngày nay đã "biết" nhìn ra lớp hoa văn khắc chìm dưới lớp men-một vẻ đẹp của điêu khắc kết hợp với hội họa. Để có được những đường nét tinh tế này, từ giai đoạn “tinh cốt sứ”, sản phẩm được đem vào lò nung chín ở 1.300 độ C, chín rõ màu xương cốt trắng tinh rồi nghệ nhân mới tô vẽ, "thổi" hồn vào hoa văn, "áo" lớp men xong lại nung tiếp. Dáng vẻ họa tiết trên sản phẩm lung linh, sống động và có độ bền là do vậy.

Cũ-mới hòa điệu

Gọi là mới thì cũng chưa chính xác, mà cũ thì không hẳn-Bởi lẽ lấy đất mà chơi với lửa để có được gốm, sứ; hay còn được gọi là hàng sứ vuốt tay thì đã có mặt từ thuở ban sơ của văn hóa sành-sứ. Gốm-sứ Việt Nam có một lịch sử lâu dài trên dưới vạn năm cho đến ngày nay.


Đỉnh cao trong lịch sử phát triển là thời Lê, thế kỷ 15 đến 17. Đến cuối thời Lê, từ thế kỷ 17 đến 18, gốm VN bước vào thời kỳ suy thoái, để lại phía sau "một thời vang bóng", lượng gốm xuất khẩu giảm hẳn. Chỉ riêng ở Hải Dương đã tìm được 14 di tích gốm trong các huyện Cẩm Bình, Chí Linh và Nam Thanh. Cũng chính ở huyện Nam Thanh ngày nay, vào thời Lê sơ, là vùng đất thuộc Nam Sách Châu, một thời được gọi là “Dương Kinh”-kinh đô thứ hai của nhà Mạc, là nơi có nghệ nhân gốm họ Bùi làm chiếc bình gốm to nổi tiếng vào năm 1450, đang được trưng bày ở bảo tàng Topari-Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến hiện nay, ngoài khơi vùng biển Hội An còn tìm được gốm của vùng Nam Sách (Hải Dương) ngày trước, đây là những vật chứng ghi dấu một thời sản xuất và xuất khẩu cực mạnh của gốm VN.

Theo đà tiến triển của nhân loại, gốm ngày được "chín" dần bởi lò nung nhiệt độ cao để cho sản phẩm sứ, rồi sứ cao cấp, đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng-để tự tồn tại. Nhưng nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật trong các sản phẩm tiêu dùng đôi khi không đổi thay, bởi giá trị của nghệ thuật đích thực có lúc đã vượt thời gian! Sứ Hải Dương có lẽ đã cảm nhận được điều này. Những chiếc bát, cái tô, tách trà, bình sứ được tạo hình bằng tay, trang trí bằng tay-thoạt trông tựa gốm thô, dân dã. Ngắm kỹ thấy mỗi chiếc mỗi vẻ, đậm nét thanh bai, đằm thắm của tâm-hồn-sứ-Việt-Nam. Mỗi mẫu vỏn vẹn có đúng một chiếc. Nhiều khách nước ngoài đã "ngơ ngẩn" khi ngắm nhìn và đã không "phiền hà" gì khi mua với giá từ 2 đến 10, 15 USD một tác phẩm nghệ thuật này.

Vừa qua, sau chuyến tiếp thị ở Nhật Bản, sứ Hải Dương đã ký thêm được hợp đồng trị giá hàng trăm ngàn đô la Mỹ với trên 60 tập đoàn khách sạn ở xứ sở Phù Tang. Bay xa hơn, nhiều sản phẩm của công ty cũng đã tiếp tục được nhiều đơn vị, khách hàng ở thị trường EU gật đầu bắt tay lâu dài.

Chúng tôi được nghe câu chuyện bây giờ mới kể: Rằng, chất lượng là mục tiêu hàng đầu của nhà sản xuất dành cho khách hàng. Sứ Hải Dương đã có duyên may hơn các đồng nghiệp trong thời gian đầu hoạt động. Anh Hải chỉ chiếc bình sứ trắng có dòng chữ viết của Bác Hồ khi người về thăm công ty, ngày 26-7-1962: Phải cố gắng tiến bộ-Bác Hồ, rồi nói: "Lúc ấy, công ty mới xây dựng và hoạt động được gần hai năm. Được Bác về thăm, và dẫu đang bộn bề việc nước, Bác vẫn quan tâm dặn dò chu đáo, toàn thể cán bộ, công nhân viên thực sự cảm động và rất phấn khởi, bảo nhau đồng tâm, quyết chí làm theo lời dạy của Người". Giọt mồ hôi cần cù với tâm-trí của hàng ngàn thành viên công ty từng ngày, từng giờ-thấm đẫm, quyện chặt vào từng nhúm đất quê hương đã toát lên hồn sứ Hải Dương; đưa công ty phát triển, trở thành đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng sứ lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Xin được trích một bức thư của một khách hàng ở Gò Vấp: "Hai chiếc tô sứ Hải Dương mẹ tôi mua trong Hội chợ Tao Đàn TPHCM-2001 nay đã trở thành kỷ vật được giữ gìn vô cùng quý giá của gia đình. Bởi mẹ tôi đã qua đời. Điểm đặc biệt là, lúc sinh tiền, mẹ tôi đã hai lần đánh rơi những chiếc tô này, nhưng không hề bị sứt mẻ hoặc nứt. Thật là một kỷ vật đầy ấn tượng, xin cảm ơn sứ Hải Dương". Bức thư đã làm ấm lòng người và đất.

Không có nhận xét nào:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Bài viết ngẫu nhiên

Music


Truyện cười