Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử - Quê Hương Lai Vu
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Lời hay ý đẹp

Translate

Search

Giá chứng khoán

Mã CK TC Khớp lệnh +/-
Giá KL

Web Informer Button

10/8/13

Chung sức tháo gỡ vướng mắc

Đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau vào cuộc, gạt bỏ những mưu lợi cục bộ, vì sự ổn định, phát triển chung của quê hương, đất nước...


Khu công nghiệp Lai Vu (Kim Thành) còn nhiều diện tích đất trống, lãng phí lớn. Ảnh: PV
Các dự án Dệt Pacific Crystal và May Tinh Lợi (mở rộng) đầu tư tại khu công nghiệp Lai Vu sẽ tạo nên một tổ hợp dệt - may lớn nhất Việt Nam, sẽ đem lại những lợi ích kinh tế - xã hội to lớn cho địa phương. Các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở và mỗi người dân ở xã Lai Vu cần chung sức, đồng lòng giải quyết những vướng mắc, khó khăn, để 2 dự án trên sớm được triển khai, đi vào hoạt động.

Khu công nghiệp Lai Vu đang bị lãng phí

Khu công nghiệp (KCN) Lai Vu, huyện Kim Thành được triển khai xây dựng từ năm 2004. Trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng của KCN đã phát sinh khiếu kiện trong nhân dân. Các cơ quan chức năng tích cực giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm. Hệ thống kết cấu hạ tầng của KCN do chủ đầu tư trước đây là Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) đầu tư xây dựng, nhưng hầu hết còn dở dang. Từ năm 2010, chủ đầu tư mới là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp nhận KCN, nhưng kết quả thực hiện hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đạt được không đáng kể. Một bộ phận nhân dân xã Lai Vu vẫn tiếp tục khiếu nại đông người lên trung ương, thậm chí một số người đã trồng cây trên đất của KCN, có hành vi ngăn cản việc thi công xây dựng hạ tầng KCN.

Việc khiếu kiện của một bộ phận nhân dân xã Lai Vu đã kéo dài gần 10 năm, kinh tế của xã Lai Vu chậm phát triển, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, các cơ quan chức năng đã có kết luận rõ ràng về tính pháp lý của KCN. Đất của KCN đã được san lấp và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư được một số dự án. Việc tiếp tục phát triển của KCN Lai Vu là cần thiết và không thể thay đổi.

Đến tháng 5-2013, mới có 11 dự án đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào 65% diện tích KCN. Trong đó có 9 dự án đã xây dựng nhà máy, chủ yếu của các công ty con thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như: yếu kém trong công tác quản lý của Vinashin, năng lực hạn chế của các nhà đầu tư và tác động tiêu cực của sự suy thoái kinh tế toàn cầu... nên hiện nay, hầu hết các nhà máy đã dừng hoạt động. Có thể nói, những năm qua, hoạt động của KCN Lai Vu chưa đạt mục tiêu đề ra, gây ra sự lãng phí đất đai nếu như không kịp thời có biện pháp tháo gỡ.

Hai dự án lớn

Trước tình hình đó, sau khi xem xét năng lực của nhà đầu tư, UBND tỉnh Hải Dương đã chấp thuận và giao cho Ban Quản lý các KCN tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Dệt may Pacific Crystal Hồng Kông. Đây là nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực dệt may, có tiềm lực tài chính, đã đầu tư hiệu quả tại KCN Nam Sách. Nhà đầu tư sẽ triển khai 2 dự án xây dựng tổ hợp dệt may với tổng vốn đầu tư 545 triệu USD tại KCN Lai Vu. Hai dự án có 100% vốn đầu tư nước ngoài này được coi là lớn nhất từ trước đến nay đầu tư vào các KCN của tỉnh.

Việc quyết định chấp thuận đầu tư của Tập đoàn Dệt may Pacific Crystal vào KCN Lai Vu là hết sức đúng đắn, phù hợp với chủ trương tăng cường thu hút đầu tư các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào địa bàn tỉnh. Dự án Dệt Pacific Crystal có tổng vốn đầu tư 425 triệu USD, chuyên sản xuất và kinh doanh vải dệt kim. Dự án sử dụng 35,1 ha đất (giai đoạn 1 sử dụng 17 ha, giai đoạn 2 sử dụng 18,1 ha). Khi hoàn thành, đi vào hoạt động, sẽ sản xuất 360 triệu mét vải/năm, thu hút khoảng 6.000 lao động, chủ yếu là người địa phương. Trong dự án, chủ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải với kinh phí trên 12 triệu USD, bảo đảm xử lý nước thải, chất thải rắn các loại theo quy định của pháp luật về môi trường.

Dự án May Tinh Lợi (mở rộng) có tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc gồm quần áo dệt kim, quần áo bò, đồ lót và các nguyên phụ liệu... phục vụ xuất khẩu. Dự án sử dụng 35 ha đất (giai đoạn 1 sử dụng 13,5 ha, giai đoạn 2 sử dụng 21,5 ha). Dự án có năng lực sản xuất 170 triệu sản phẩm/năm; thu hút khoảng 16.900 lao động, chủ yếu là lao động địa phương (giai đoạn 1 sử dụng 8.500 lao động, giai đoạn 2 sử dụng 8.400 lao động).

Hai dự án đầu tư tại KCN Lai Vu, là tổ hợp dệt may lớn nhất của Việt Nam với quy trình sản xuất khép kín từ khâu dệt sợi, hấp nhuộm, in... đến sản xuất các sản phẩm dệt may thành phẩm phục vụ xuất khẩu. Cơ hội để thu hút được các dự án tương tự như hai dự án này vào KCN Lai Vu không phải là dễ. Nếu chúng ta không tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai các dự án, cơ hội sẽ bị bỏ qua; hạ tầng KCN Lai Vu sẽ tiếp tục ngày càng xuống cấp, tài nguyên đất và các nguồn lực khác của nhân dân, của xã hội sẽ tiếp tục bị lãng phí một cách nghiêm trọng, tình hình của KCN Lai Vu sẽ rất khó có thể thay đổi.

Việc để đất trống với tỷ lệ lớn trong suốt thời gian gần 10 năm qua, gây lãng phí lớn cho xã hội. Khi các doanh nghiệp không triển khai đầu tư được tại KCN Lai Vu sẽ đồng nghĩa với việc không thể tạo được việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là các dịch vụ phục vụ cho KCN không thể phát triển. Việc sớm đưa các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng và sản xuất, kinh doanh trong KCN Lai Vu là yêu cầu cấp bách và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương, huyện Kim Thành và đặc biệt là người dân xã Lai Vu. Cụ thể là sau khi 2 dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn kéo theo sự phát triển của kinh tế dịch vụ. Một số lượng lao động đáng kể trên địa bàn xã Lai Vu chuyển từ sản xuất kinh tế nông nghiệp đơn thuần, hiệu quả kinh tế thấp sang làm kinh tế công nghiệp, dịch vụ với mức thu nhập cao; tăng nguồn thu cho địa phương từ các dịch vụ phục vụ khu công nghiệp, các khoản hỗ trợ... của nhà đầu tư. Hai dự án sẽ giải quyết việc làm cho gần 23.000 lao động, trong đó thu hút tối đa lao động của xã Lai Vu và các vùng lân cận vào làm việc, giúp tạo thu nhập ổn định cho người lao động; giảm thiểu các tệ nạn xã hội và nâng cao đời sống cho nhân dân; góp phần tạo diện mạo kinh tế mới trên địa bàn xã Lai Vu nói riêng, huyện Kim Thành nói chung. Các dự án cũng cung cấp các nguyên phụ liệu có liên quan phục vụ ngành dệt may Việt Nam, góp phần làm giảm giá thành và sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành dệt may nước ta. Dự án sẽ mang lại lợi ích to lớn về kinh tế, xã hội cho tỉnh Hải Dương và các doanh nghiệp may mặc tại khu vực phía Bắc cũng như toàn ngành dệt may Việt Nam, thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển. Thông qua việc xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, góp phần thu ngoại tệ, đóng góp đáng kể vào ngân sách của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội xã Lai Vu và huyện Kim Thành.

Cần đồng lòng, chung sức

Thực hiện sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là con đường để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, thậm chí có cả những sai sót cần phải xử lý; một bộ phận nhân dân có thể bị thiệt thòi. Dự án Dệt Pacific Việt Nam và dự án May Tinh Lợi (mở rộng) là hai dự án có quy mô lớn được triển khai là cơ hội không nhỏ góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc gần 10 năm qua đối với KCN Lai Vu.

Việc triển khai 2 dự án này không thể chỉ có sự quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh mà phải có sự đồng lòng, chung sức của tất cả các cấp, các ngành trong tỉnh, các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể của tỉnh, cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Kim Thành, đặc biệt rất cần sự đồng thuận, ủng hộ với thái độ tích cực của người dân xã Lai Vu.

Tất cả cần tập trung quyết tâm tháo gỡ khó khăn, làm cho KCN Lai Vu hoạt động có hiệu quả, trước hết là triển khai thành công hai dự án lớn: Dệt Pacific và May Tinh Lợi (mở rộng).

Nguyên tắc đặt ra là những vấn đề vướng mắc phải được giải quyết theo quy định của pháp luật, phù hợp với từng thời điểm; đồng thời căn cứ thực tế đặt ra để vận dụng để đáp ứng nguyện vọng, quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân dân xã Lai Vu. Tôn trọng ý kiến của dân, lấy vận động, giải thích, thuyết phục người dân là chính. Tuy nhiên, đối với những hành vi sai phạm, cố tình chống đối, cản trở quá trình đầu tư của các dự án phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Phải thực hiện đồng thời việc từng bước giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, khiếu nại liên quan đến KCN Lai Vu, với việc triển khai các dự án, nhất là 2 dự án Dệt Pacific và May Tinh Lợi (mở rộng).

Để sớm giải quyết tình hình phức tạp tại xã Lai Vu, góp phần tạo điều kiện cho KCN đi vào hoạt động có hiệu quả, tỉnh ta tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền để nhân dân Lai Vu hiểu được quy mô, lợi ích từ các dự án để có sự đồng thuận khi triển khai thực hiện. Các sở, ban, ngành có liên quan tiếp thu tất cả các ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Lai Vu để nghiên cứu, tham mưu đề xuất các phương án giải quyết theo quy định của pháp luật, phù hợp với từng thời điểm, đồng thời nghiên cứu thực tế đặt ra để vận dụng thấu tình, đạt lý. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đoàn viên, hội viên xã Lai Vu trong quá trình triển khai các dự án. Ban Quản lý các KCN tỉnh chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai các Dự án dệt Pacific và May Tinh Lợi (mở rộng) tại KCN Lai Vu, thông tin công khai với nhân dân xã Lai Vu theo quy định của pháp luật.

Vì chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và xã Lai Vu nói riêng, các cấp uỷ đảng, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên ở huyện Kim Thành và xã Lai Vu phải gương mẫu, đi đầu chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực vận động người thân và nhân dân, nhất là các hộ dân chưa nhận tiền, tiếp tục đi nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; đặc biệt là sớm phát hiện và vận động nhân dân không có các hành vi trái pháp luật.

MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Kim Thành và xã Lai Vu cần nêu cao vai trò của tổ chức quần chúng cách mạng, tin tưởng vào chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện; đấu tranh vạch rõ những cá nhân cung cấp thông tin không đúng gây hiểu lầm, mất đoàn kết trong nhân dân; tích cực tuyên truyền vận động, thuyết phục mọi đoàn viên, hội viên trong tổ chức mình hiểu rõ và thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cách giải quyết công bằng, hợp lý của tỉnh, huyện; đồng thời phản ánh các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đối với các cơ quan chúc năng có thẩm quyền, không để xảy ra những diễn biến phức tạp.

Mỗi người dân xã Lai Vu hãy phát huy truyền thống quê hương, đoàn kết, chung tay xây dựng vì lợi ích phát triển chung; tuyên truyền, vận động người thân hiểu rõ hơn về quy mô, lợi ích mà các dự án dệt may mang lại. Những vấn đề băn khoăn, thắc mắc, đề xuất, kiến nghị còn lại của nhân dân cần tập hợp chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ. Cần phân biệt rõ đúng sai, xác định rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình; chấp hành nghiêm các quy định về khiếu nại, tố cáo; tránh tình trạng khiếu kiện đông người dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi: xâm phạm, trồng cây hoa màu trên đất của KCN, ngăn cản các hoạt động đầu tư, xây dựng của các doanh nghiệp trong KCN...

Các hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ cần tin tưởng vào hướng giải quyết, tháo gỡ hiện nay mà tỉnh đang triển khai để có suy nghĩ và việc làm tích cực hơn vì lợi ích và sự phát triển chung cũng như lợi ích của bản thân và gia đình mình, tiếp tục nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, không có các hành vi trái pháp luật như: xâm phạm, canh tác trên đất của KCN; ngăn cản các hoạt động đầu tư, xây dựng của các doanh nghiệp.

KCN Lai Vu đang gặp khó khăn. Đời sống của một bộ phận nhân dân xã Lai Vu cũng bị ảnh hưởng theo. Đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau vào cuộc, gạt bỏ những mưu lợi cục bộ, vì sự ổn định, phát triển chung của quê hương, đất nước, chung sức, chung lòng từng bước giải quyết vướng mắc khó khăn, triển khai các dự án đầu tư vào KCN, mà trước hết là 2 dự án Dệt Pacific và May Tinh Lợi (mở rộng).

(Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Không có nhận xét nào:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Bài viết ngẫu nhiên

Music


Truyện cười