Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử - Quê Hương Lai Vu
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Lời hay ý đẹp

Translate

Search

Giá chứng khoán

Mã CK TC Khớp lệnh +/-
Giá KL

Web Informer Button

30/12/08

Khắc phục những bất cập trong dạy nghề cho nông dân ở Hải Dương

Phát triển công nghiệp đã khiến hàng chục nghìn hộ nông dân ở Hải Dương có đất bị thu hồi đứng trước nguy cơ thiếu việc làm. Nhu cầu về học nghề và chuyển nghề của nông dân trở thành nỗi bức xúc ở địa phương.

Cơ hội học nghề và chuyển nghề

Từ năm 2004, tỉnh Hải Dương đã triển khai đề án dạy nghề ngắn hạn miễn phí cho nông dân. Tuy nhiên, thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập, yếu kém, rất cần được tỉnh sớm có giải pháp khắc phục.

Ở cổng làng Bích Thủy, xã Văn Ðức (Chí Linh, Hải Dương) có hình hai con cá chép được vẽ rất công phu. Anh Lương Văn Châm, nông dân trong thôn nhớ lại: "Tôi tham gia lớp học kỹ thuật nuôi thủy sản do Trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL), Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) tỉnh tổ chức năm 2004. Năm 2005, tôi vận dụng kiến thức đã học, thực hiện mô hình xen canh lúa-cá trên hai sào ao. Năm ấy, nhà tôi thu được hơn năm triệu đồng tiền bán cá. Cứ thế, năm sau tôi tiếp tục áp dụng phương thức này và đều có hiệu quả. Năm 2007, gia đình tôi đã thu được gần mười triệu đồng tiền bán cá. Cả thôn Bích Thủy có gần 100 hộ thì 80 hộ có ao. Con cá đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các gia đình nông dân. Dân làng muốn thể hiện lòng biết ơn với Ðảng, Nhà nước nên mới vẽ hình ảnh cá chép lên cổng làng".

Sau hơn ba năm, kể từ ngày kết thúc lớp học, chị Lê Thị Phương Hoa, Phó giám đốc Trung tâm GTVL, mới có dịp trở lại thăm thôn Bích Thủy. Chị cho biết: Khi ấy, Ðảng ủy, UBND xã có chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là khuyến khích người dân chuyển diện tích ruộng trũng sang nuôi thủy sản. Nắm bắt được nhu cầu này, trung tâm đã về mở hai lớp dạy nghề nuôi thủy sản miễn phí cho bà con.

Ðến nay, tỉnh Hải Dương thu hồi hơn 3.000 ha đất nông nghiệp phục vụ phát triển các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp. Ðể giúp người dân có cơ hội học nghề, chuyển nghề, từ năm 2004, tỉnh Hải Dương đã xây dựng và triển khai đề án dạy nghề ngắn hạn miễn phí cho nông dân. Theo đó, nông dân có nhu cầu học nghề sẽ được tham gia học các lớp đào tạo ngắn hạn các nghề nông nghiệp (kỹ thuật nuôi thủy sản, kỹ thuật trồng trọt, bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăn nuôi...), phi nông nghiệp (may công nghiệp, cơ khí, điện tử, tin học, thủ công, mỹ nghệ...).

Giám đốc Sở LÐ-TB&XH tỉnh Hải Dương, Phạm Văn Thuấn, cho rằng: "Ðề án này nhằm tạo cơ hội cho mỗi nông dân ít nhất được học nghề một lần; có điều kiện chuyển nghề và bảo đảm cuộc sống từ những nghề đã học. Từ năm 2004 đến nay, ngân sách trung ương và địa phương đầu tư gần 20 tỷ đồng phục vụ công tác này. Nhờ vậy, mỗi năm tỉnh dạy nghề cho hơn năm nghìn lao động nông thôn; góp phần tạo việc làm mới cho hơn 30 nghìn lao động/năm".

Nảy sinh những bất cập và còn nhiều yếu kém

Nhìn những nhà máy mọc san sát trong KCN Nam Sách, bà Lê Thị Tuấn, nông dân thôn Phú Lương, xã Nam Ðồng (Nam Sách) buồn bã nói: Nhà máy nhiều thế, nhưng con em chúng tôi vẫn thất nghiệp. Hai đứa con tôi cũng phải đi làm ăn nơi khác, không xin nổi vào nhà máy gần nhà, vì không có nghề. Tôi quanh quẩn vài sào ruộng còn lại, cuộc sống làm sao bảo đảm. Muốn chuyển nghề khác thì tôi lại không có cơ hội được học nghề.

Theo Bí thư Ðảng ủy xã Tứ Minh (TP Hải Dương) Vũ Mạnh Hùng, người dân hy vọng khi có KCN sẽ tạo được nhiều việc làm, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Con em nông dân vùng thu hồi đất muốn vào làm công nhân tại các nhà máy phải mất vài triệu đồng qua "cò" để nhờ xin việc. Người dân xã Lai Vu (Kim Thành) lại được ưu ái hơn khi các trung tâm về dạy đủ nghề, nhưng đến nay, không ai còn làm nghề mây giang xiên, vì không có thị trường tiêu thụ.

Theo lãnh đạo một số huyện thì công tác dạy nghề cho nông dân còn nhiều bất cập. Chủ tịch UBND huyện Bình Giang, Phạm Văn Tỏ cho rằng, số lượng các lớp dạy nghề cho nông dân huyện này rất ít. Thậm chí một số trung tâm về địa phương tổ chức các lớp dạy nghề nhưng chúng tôi cũng không biết nông dân học gì và làm được gì sau khi học. Còn Bí thư Huyện ủy Chí Linh, Nguyễn Anh Cương, cảnh báo, nếu không bảo đảm việc làm và thu nhập cho người dân vùng thu hồi đất thì rất dễ nảy sinh những vấn đề phức tạp.

Giám đốc Trung tâm GTVL (Liên đoàn Lao động tỉnh) Nguyễn Quang Tạo bức xúc: "Có một thực tế, sau khi học viên tốt nghiệp các lớp kỹ thuật may công nghiệp lại rất khó xin việc vào các doanh nghiệp may. Các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh lại thích tuyển lao động phổ thông để tự đào tạo nghề". Các doanh nghiệp may thì cho rằng, chất lượng đào tạo nghề may công nghiệp của các trung tâm không bảo đảm. Vì vậy, các doanh nghiệp tự đào tạo sẽ đáp ứng được yêu cầu công việc, chuyên môn hóa cao.

Nhưng thực tế, các doanh nghiệp lấy lý do này để trả lương thấp cho người lao động. Mặc dù cơ sở vật chất yếu kém, với tổng giá trị các trang, thiết bị chỉ hơn 100 triệu đồng, chủ yếu là một số may công nghiệp, máy vi tính, giáo viên chủ yếu đi thuê, nhưng đến nay, Trung tâm GTVL (Hội Nông dân tỉnh) đã dạy nghề cho gần 5.000 học viên. Trong khi đó một số cơ sở dạy nghề khác được đầu tư kinh phí lớn mua sắm máy móc, thiết bị lại chưa khai thác hết.

Tại Trung tâm GTVL (Liên đoàn Lao động tỉnh), thiết bị dạy các nghề sửa chữa ô-tô, sửa chữa điện tử trị giá hàng tỷ đồng đến nay vẫn "xếp xó". Trung tâm GTVL (Hội Phụ nữ tỉnh), được đầu tư một số máy tra cứu thông tin (trị giá 50 triệu đồng/máy), nhưng đến nay có hai máy không hoạt động... Về cơ chế dạy nghề cho nông dân, các trung tâm đào tạo nghề cho rằng, việc xây dựng kế hoạch, giao kế hoạch của tỉnh hiện nay chưa hợp lý, nên nảy sinh tình trạng "kế hoạch của kế hoạch". Trước năm 2007, UBND tỉnh giao kế hoạch dạy nghề hằng năm theo số lượng đào tạo chứ không giao kế hoạch vốn.

Các cơ sở dạy nghề xây dựng kế hoạch và bảo vệ kế hoạch trước các ngành LÐ-TB&XH, Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư. Cho nên, việc triển khai kế hoạch dạy nghề thường chậm. Với cơ chế này, một số cơ sở dạy nghề do không đủ khả năng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đã giao, cho nên đã đi thuê các đơn vị dạy nghề dưới huyện dạy; xuất hiện tình trạng "đánh trống, ghi tên" thiếu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Theo quy định, người học nghề phải có đơn xin học nghề và xác nhận của UBND xã, phường về việc chưa qua đào tạo nghề ngắn hạn, nhưng vẫn xảy ra tình trạng một người học nhiều lần nhưng nhiều người lại không được học nghề một lần. Năm 2007, Sở LÐ-TB&XH đã từ chối nghiệm thu 17 lớp dạy nghề "chui", với hơn 500 học viên, do Trung tâm GTVL (Hội Nông dân tỉnh) tổ chức.

Theo lý giải của ông Bùi Văn Yên, Trưởng phòng quản lý dạy nghề (Sở LÐ-TB&XH), trung tâm này đã vi phạm hợp đồng đã được ký kết. Theo quy định, sau khi mở lớp mười ngày, trung tâm phải thông báo với Sở LÐ-TB&XH về địa điểm, thời gian dạy nghề, họ và tên giáo viên chủ nhiệm... Nhưng thực tế, trung tâm đã không thực hiện đúng điều kiện này.

Ðể phát hiện và xử lý các sai phạm trong việc tổ chức triển khai đề án dạy nghề cho nông dân, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hải Dương, Bùi Thế Sảng vừa ký quyết định thành lập đoàn thanh tra, thanh tra chấp hành chính sách pháp luật về việc sử dụng kinh phí dạy nghề cho nông dân tại Sở LÐ-TB&XH và bảy trung tâm dạy nghề của tỉnh.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc thanh tra này sẽ không khách quan. Vì thực tế hằng năm, Sở Tài chính là một trong ba ngành thẩm định, thực hiện việc giao kế hoạch và nghiệm thu hợp đồng dạy nghề của các đơn vị dạy nghề. Liệu kết quả thanh tra có bảo đảm khách quan, chính xác?

Khắc phục bằng cách nào?

Năm nay, tỉnh Hải Dương có kế hoạch dạy nghề ngắn hạn cho 14 nghìn nông dân, với tổng kinh phí tám tỷ đồng. Trong kế hoạch gửi các đơn vị dạy nghề trên địa bàn tỉnh có quy định rất rõ về điều kiện ký hợp đồng và thanh lý hợp đồng đào tạo nghề, trong đó có quy định "Có sự thỏa thuận bằng văn bản của UBND các huyện, thành phố về việc đồng ý mở lớp dạy nghề (số lượng học viên, nghề dạy, địa điểm mở lớp)". Tuy nhiên, đến nay việc triển khai kế hoạch dạy nghề của các trung tâm vẫn chậm.

Giám đốc Trung tâm GTVL (Sở LÐ-TB&XH) Dương Mạnh Hùng cho rằng: Theo Luật Dạy nghề, các cơ sở dạy nghề có quyền tuyển sinh, chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng về chất lượng dạy nghề, ngành nghề đào tạo. Quy định này trái với Luật Dạy nghề, gây khó khăn cho các cơ sở dạy nghề, sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; sẽ nảy sinh tình trạng một số cơ sở dạy nghề có uy tín thấp nhưng lại "quan hệ tốt" với một số ngành chức năng cho nên lại được mời đào tạo nghề cho nông dân.

Giám đốc Sở LÐ-TB&XH tỉnh Phạm Văn Thuấn lại cho rằng, việc quy định phải có văn bản đồng ý của UBND các huyện, thành phố mới ký hợp đồng dạy nghề nhằm tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ sở dạy nghề và các ngành chức năng. Tôi nghĩ nếu các cơ sở dạy nghề có đủ khả năng vẫn có thể triển khai tốt việc dạy nghề.

Theo Bí thư Huyện ủy Ninh Giang, Vũ Doãn Quang, quy định này sẽ khắc phục được tình trạng một người học nhiều lần và nhiều người chưa được học lần nào. Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và nhu cầu học nghề của nông dân, chúng tôi thống kê số lượng học viên, ngành nghề cần đào tạo, đề nghị các đơn vị dạy nghề.

Giám đốc Trung tâm kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp, dạy nghề huyện Ninh Giang, Bùi Ðình Thi cho biết: Năm 2007, trung tâm dạy nghề cho 870 nông dân các nghề ngắn hạn. Cách dạy nghề của chúng tôi luôn gắn thực tế, nhu cầu cần kiến thức của nông dân. Trong thời gian mở lớp, trung tâm tổ chức cho nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các mô hình sản xuất giỏi, tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Gia Lộc). Sắp tới trung tâm mở một số xưởng may công nghiệp, xưởng mộc nhằm tạo việc làm cho con em nông dân địa phương sau khi tốt nghiệp các khóa đào tạo.

Chủ tịch UBND huyện Bình Giang, Phạm Văn Tỏ mong muốn tỉnh sớm thành lập trung tâm kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp, dạy nghề trên địa bàn huyện. Ðây là mô hình đào tạo nghề cho nông dân phù hợp điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Theo Bí thư Huyện ủy Chí Linh, Nguyễn Anh Cương, các cơ sở dạy nghề nên đào tạo theo nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, cần liên kết các trường đào tạo nghề có uy tín.

Dạy nghề cho nông dân thể hiện sự quan tâm đầu tư của tỉnh đối với vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Ðể triển khai có hiệu quả đề án dạy nghề miễn phí cho nông dân, tỉnh Hải Dương cần khắc phục những hạn chế, yếu kém; đồng thời sớm chấn chỉnh những bất cập, có biện pháp xử lý kiên quyết các cơ sở dạy nghề không tuân thủ các quy định của pháp luật.

Tỉnh cần có giải pháp thực hiện đề án có hiệu quả, tạo sự đồng thuận của các đơn vị dạy nghề và sự phối hợp của chính quyền các cấp, các ngành liên quan.

Giải quyết tốt vấn đề dạy nghề cho nông dân góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.

Theo báo Nhân dân

Không có nhận xét nào:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Bài viết ngẫu nhiên

Music


Truyện cười